Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Bàn về Tây Sơn - Nguyễn Ánh, Chuyện đời vay trả

Filled under:







BÀN VỀ TÂY SƠN - NGUYỄN ÁNH : CHUYỆN ĐỜI VAY TRẢ

( Võ Hương An )
Nguồn :"www.khoahoc.net"

Lời người viết( Cụ Võ Hương An ): Mùa Vu lan năm Canh dần 2010, tự nhiên tôi nhận được nhiều email của thân hữu gởi đến - có ngày nhận hai ba cái -- kèm theo truyện ngắn “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ, viết về sự tàn ác và hèn hạ của vua Gia Long trong việc hành hình vợ chồng Trần Quang Diệu & Bùi Thị Xuân -- hai dũng tướng của Tây Sơn -- và gia đình (mẹ già và con gái). Nội dung của các điện thư hoặc có ý hỏi tôi sự thật có đúng như vậy không, hoặc tỏ ra đồng ý với tác giả, chê trách vua Gia Long tàn ác. Bài viết này xin xem như một câu trả lời, sự thật lịch sử là một kinh nghiệm chung ở đời…

Đôi nét lịch sử

Sau 25 năm chiến đấu kiên trì và gian khổ, ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (13/6/1801) Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô cũ Phú Xuân, đuổi vua tôi Cảnh Thịnh chạy dài ra Bắc. Một năm sau, ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1/6/1802), tuy chưa chính thức lên ngôi hoàng đế (1) nhưng theo lời đề nghị của bầy tôi, vua ban hành niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại mới của nhà Nguyễn. Vào đầu thế kỷ XX, vua Khải Định đã chọn ngày này ( mồng 2 tháng Năm âm lịch) làm ngày quốc khánh của nước Đại Nam, đặt tên là ngày Hưng quốc khánh niệm. Những ai ở lứa tuổi trên 70 ở Trung kỳ, từng cắp sách đến trường có thể còn nhớ đôi chút về ngày này, nhất là ở Huế. Đó là ngày mừng đất nước thống nhất. Niên hiệu Gia Long bao hàm trong ý nghĩa đó -- vua muốn nói ông là người đã đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành để thống nhất đất nước.
(Võ Hương-An, Thăng Long và Gia Long , trong www.khoahoc.net/baivo/vohuongan/310708-thanglongvagialong.htm )

Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và trong khi vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền Bắc thì Nguyễn Vương đã cho « Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ » (Thực lục I, tr.473).

Sau khi chiếm được Bắc hà, bắt được trọn gói vua tôi, anh em vua Cảnh Thịnh, hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia Long khải hoàn về kinh. Ngày giáp tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu. Hiến phù là lễ trình diện tù binh trước bàn thờ tổ tiên, và Thái Miếu là nơi thờ 9 đời chúa Nguyễn. Sau lễ,« Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh] và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình, sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài. » (Thực lục I, tr.531)

Trong chiếu bố cáo cho toàn dân được rõ về lễ hiến phù ngày 7 háng 11 Nhâm tuất, có câu mở đầu : « Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu … » và kết thúc bằng câu « Nhạc Huệ trời đã giết rồi, cũng đem phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân. » (Thực lục I, tr.532,533)
Theo tài liệu của Bissachère, trước khi nhận lãnh cái chết thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt phải chứng kiến cảnh lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyện Nhạc) (theo hồi ký của Bissachère) trước khi hài cốt bị đem « giả nát rồi vất đi ».

Phẩm bình của lịch sử
Tại miền Nam trước 1975, có hai bộ thông sử tiếng Việt thông dụng là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn. Viết về vua Gia Long, cả hai bộ sử đều giống nhau ở một điểm: có phê phán sự hẹp lượng của vua Gia Long qua việc giết hại công thần (vụ án Nguyễn Văn Thành và vụ án Đặng Trần Thường), có kể rõ việc hành hình trả thù Tây Sơn nhưng hoàn toàn không bình luận, phê phán gì đến sự “quá tay” trong việc này. Tại sao?

Hoa Bằng, tác giả Quang Trung, Anh hùng dân tộc (Nxb Bốn Phương, Saigon, 1953) khi kết luận thiên biên khảo đầu tiên bằng tiếng Việt về đề tài này đã ngậm ngùi viết:« Vậy mà Nã [Phá Luân, Napoléon I] được gởi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm ; còn Quang Trung : mả phải đào, xương phải tán, dòng dõi bị chu di, sự nghiệp liệt liệt oanh oanh gói tròn trong một chữ ‘Ngụy’

Nhà viết sử Trần Gia Phụng trong Nhà Tây Sơn (Nxb Non Nước, Toronto, 2005) cũng đã có lời bình phẩm nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc:« Cuộc trả thù được vua Gia Long xem là ‘ nghĩa lớn Kinh Xuân Thu’ nhưng hành hạ di cốt địch thủ trước mắt con cái họ trái hẳn với đạo lý cổ truyền của dân tộc. » (tr.240)

Phê bình mạnh tay, mạnh mẽ hơn có Quách Giao : Nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền đào mồ mả của cha ông hai nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.
………………………………………………………
(http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nmnmn4n31n343tq83a3q3m3237n1n2n&AspxAutoDetectCookieSupport=1)

Còn đối với Nhà Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng [Cảnh Thịnh], cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục thất trong Hoàng Cung để làm lọ đi tiểu.
Ðể nhổ cỏ cho sạch gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những Tướng Tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã.
Hai người con Vua Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương náu nơi Mộ Ðiểu, Vùng An Khê. Vua tôi Nhà Nguyễn biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) thấy tình thế đã yên, ba chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ. Bọn bất lương đi mật báo. Quân Nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.
……………………………………………
…Ngót 150 năm, Nhà Nguyễn cố làm cho người người quên Nhà Tây Sơn. Những người yêu nước vẫn luôn nhớ đến Nhà Tây Sơn, ngọn bút yêu nước vẫn chép đi chép lại, vẫn tìm tòi trong nơi khuất tịch những tài liệu còn dấu cất, để viết về Nhà Tây Sơn.Và tiếng Anh hùng Áo Vải, Anh Hùng Dân Tộc mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc.
Còn Nhà Nguyễn đã làm được gì?Có người bảo rằng đã thống nhất Bắc Nam.Ðó là quên rằng chính Nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam, rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Ðông Ðịnh Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao phen bể nổi dâu chìm Nhà Nguyễn còn để lại tiếng Rước voi, cõng rắn.
Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năm bia miệng mãi còn trơ trơ. (http://tuongvangvn.com/index.php?categoryid=50&p2_articleid=418)

Trong văn hóa phương Tây, đánh nhau là đánh nhau nhưng không có chuyện trả thù kẻ chiến bại một cách tàn nhẫn, nhất là đối với người đã chết, Do đó, khi bắt gặp hành động “dã man” này của vua Gia Long, Stanley Karnow, tác giả tiếng tăm bộ sử VietNam, A History (Penguin Book, 1984) đã viết

“Ông ta tỏ ra chẳng khoan dung chút nào đối với kẻ thù đã chiến bại, dù đã chết hay còn sống. Binh sĩ của ông đã quật xương cốt của một cặp vợ chồng cầm đầu Tây Sơn đã chết [Nguyễn Huệ], tiểu tiện vào xương cốt đó trước sự chứng kiến của con cái họ và những người này sau đó tay chân bị trói vào 4 con voi và xé nát.” (p.65) (He showed no mercy to his beaten adversaries, dead or alive. His soldiers exhumed the bones of a deceased Tayson leader and his wife and urinated on them before the eyes of their son, whose limbs were then bound to four elephants and ripped apart.)

Nếu Nhà Tây Sơn không có Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng quân Thanh và quân Xiêm vang dội trong lịch sử thì hành động “vì 9 đời mà trả thù” của vua Gia Long chưa chắc đã bị búa rìu dư luận nhiều như đã xảy ra. Ngoài việc ghi chép khá rõ ràng của Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn thì hồi ký sống động của giáo sĩ De la Bissachère về việc hành hình trả thù của vua Gia Long đối với anh em và vua tôi Cảnh Thịnh (2), đã gây tác động tâm lý không nhỏ trong giới sử học Đông Tây (Thực ra ông này không chứng kiến cuộc hành hình mà chỉ nghe ai đó kể lại). Thử đi vào mạng lưới toàn cầu, gõ mấy từ khóa như Gia Long, Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thì tha hồ đọc công luận phẩm bình, đa số đều chê Gia Long về việc này. Điều này cũng dễ hiễu thôi vì hào quang chiến thắng quân Xiêm và quân Thanh của vua Quang Trung rực rỡ quá, đã che mất sự thật thê thảm ở bên trong. Thêm vào đó, với mấy chục năm lịch sử được viết dưới nhãn quan xã hội chủ nghĩa, triều Nguyễn do Gia Long khai sáng, đã bị miệt thị thậm tệ, đã ảnh hưởng không ít trên sự nhận thức của người đọc, nhất là giới trẻ. Mặc dầu ngày nay gió đã đổi chiều, đã bắt đầu có sự chuyển biến trong nhận thức về sự nghiệp của Nhà Nguyễn (3) nhưng không thiếu chi người vẫn tư duy trong nếp cũ.

Câu hỏi đặt ra
Các sách sử Việt Nam viết về hành vi “tàn ác” trả thù Tây Sơn của vua Gia Long đều lấy tài liệu từ các bộ chánh sử của Nhà Nguyễn (Đại Nam Thục lục đệ nhất kỷ, Đại Nam Liệt Truyện ), trước khi biết đến các chi tiết khác do nguồn sử liệu Tây phương cung cấp. Sử thần Nhà Nguyễn trong Quốc Sử Quán đã không giấu diếm gì cả, viết trắng chuyện này ra cho hậu thế cùng biết, người sau chỉ lặp lại, chỉ thêm lời bình phẩm nặng nề mà không có bớt.
Riêng người viết, trong niềm ngưỡng mộ chiến thắng oanh liệt hào hùng của vua Quang Trung trước quân Xiêm và quân Thanh xâm lăng, ban đầu thì cũng đồng ý với những bình phẩm chê trách hành động của vua Gia Long đối với Tây Sơn là thái quá, tàn nhẫn, nhưng sau đó, khi được biết những nguồn tin khác, không khỏi đắn đo tự hỏi và tìm lời giải đáp.
Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát (4) .Ngay cả việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu ráo máng như với Tây Sơn?
Sau khi làm chủ Bắc hà, vua “Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: ‘Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời.” (Thực lục I, tr.508) Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp 500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch).

Ai cũng biết La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, được coi như một Gia Cát Lượng của vua Quang Trung, một cố vấn tối cao, được vua quan trên dưới đều kính nể (4 lần vua khẩn khoản mời ra giúp, cuối cùng nhận chức Viện trưởng Viện Sùng Chính năm 1790, giúp vua chấn chỉnh việc giáo dục, văn hóa, giúp vua chọn đất Nghệ An làm Phượng Hoàng trung đô…). Khi Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân, ông đang ở Huế giúp vua Cảnh Thịnh nhưng không chạy theo khi vua đào thoát (hay chạy theo không kịp?) và dường như không bị bị bắt mà chỉ quản thúc tại gia, dù phía Nguyễn Vương biết rõ lý lịch, sau đó Nguyễn Vương đã ra lệnh
“Thả xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, đậu Hương tiến đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng. Vua [Nguyễn Vương] dụ rằng ‘Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo léo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta.’ [người viết in đậm]. Bèn sai quan quân đưa về (Thực lục I, tr.445)

Lại năm 1803, phái đoàn do vua Cảnh Thịnh phái đi sứ Nhà Thanh (gồm Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Duy Nghi) bị trả về nước, bị quan Bắc thành bắt giải về Kinh, vua Gia Long tha hết cho về quê. Lại khi Bộ Hình tâu xin vua định đoạt số phận của người vợ lẻ Nguyễn Nhạc cùng 2 người em họ tên Đại và Vạn bị bắt thì vua nói: “Vợ lẻ Nhạc là một người đàn bà thôi. Bọn Đại tuy là thân đảng của giặc Nhạc mà không dự binh quyền, nay Nhạc chết rồi, giết đi thì có ích gì?” (Thực lục I, tr.544)
Những chứng dẫn nho nhỏ đó cho thấy vua Gia Long là con người phải chăng, tùy theo người, theo trường hợp mà có quyết định tha hay phạt , chứ không phải bạ đâu giết đó, thà giết lầm hơn bỏ sót. Vậy tại sao giết Tây Sơn chưa đủ, phải hành hạ mới hả, kể cả nắm xương khô. Thù chi mà dữ vậy?

Sự thật là đây
Về chuyện vua Gia Long trả thù Tây Sơn, nhà viết sử Trần Gia Phụng đã đi xa hơn các học giả đi trước khi lần đầu tiên ông phân tích chính xác rằng:
“Không kể cá nhân ông bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần [chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790.” (Việt Sử Đại Cương, Tập 2, tr.445) Chừng đó nợ máu nghe đã nặng (5 người cật ruột), nhất là món nợ thứ 3, nhẹ vật chất mà nặng tâm linh và đạo đức, ít người biết. Nhưng kể vậy cũng chưa đủ.
Khi đọc câu mở đầu của chiếu bố cáo lễ hiến phù: “ Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…” * (Thực lục I, tr.532) tôi không khỏi mỉm cười một mình với ý nghĩ : thiệt mấy ông đời xưa văn chương lớn lối quá, cái chi cũng lôi điển tích với sách vở ra, tô vẻ cho long trọng. Nhưng sau đó, khi đọc kỹ Thực lục mới biết mấy chữ vì 9 đời mà trả thù mang một ý nghĩa rất thực, rất cụ thể, bên cạnh màu sắc điển tích văn chương tô điểm.
* “Xuân Thu, Công Dương truyện: Trang công năm thứ 4 chép: Tề Tướng công giết nước Kỷ, vì ông tổ xa đời là Ai công mà phục thù, đời gọi là mối thù 9 đời.” Chú thích của dịch giả Thực lục I, tr.532.

Ngày 13/6/1801, Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô Phú Xuân, nơi ông đã vội vã ra đi khi mới 13 tuổi (ta), và ròng rã 27 năm mơ ước được trở về. Tuy đã làm chủ được Phú Xuân nhưng lực lượng hùng hậu của Tây Sơn Cảnh Thịnh vẫn còn ở bên kia lũy Trường Dục (Quảng Bình), vậy mà đến đầu tháng 8 năm đó đã lo sửa sang lăng mộ tổ tiên và cấp tốc hoàn tất ngay trong tháng. Sao việc này lại làm gấp rút còn hơn cả công tác sửa sang thành trì, xây đồn đắp luỹ để phòng chống Tây Sơn? Xin đọc kỹ đoạn ghi chép của Thực lục sau đây, có thể thấy được lý do thúc đẩy (những chữ in đậm là do người viết, chữ ghi giữa hai ngoặc đứng [x] là chú giải của người viết):
“Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.
“Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên. Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho.” (Thực lục I, tr.466)
Gạt ra ngoài những chi tiết hoa lá cành như hai con cọp trong bụi rậm nhảy ra, đang đào mả thì nhà cháy, v.v., đoạn sử ngắn ngủi do Thực lục ghi lại tiết lộ hai điều quan trọng mà ít người biết đến hoặc biết mà vì một lý do nào đó đã lơ đi hoặc chỉ phớt nhẹ nói qua:

-Thứ nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đào hết lăng tẩm của 8 đời chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, lấy hài cốt ném xuống sông.
Việc này cọng với việc giết chết vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần tại Long Xuyên năm 1777 thì quả nhiên vua Gia Long tính sổ 9 đời không sai chậy chút nào. Vì vậy có thể nói được rằng chữ 9 đời có một ý nghĩa rất cụ thể.

Đây là 8 đời chúa Nguyễn:

1.Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613);
2.Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635);
3.Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648);
4.Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687);
5.Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691);
6.Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725);
7.Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738);
8.Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765);
Về ông tổ Nguyễn Kim, có lẽ vì không biết đích xác mộ phần nẳm ở đâu trong cái bát ngát của núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, nên vua Quang Trung đành phải cho qua mà không tính sổ.
Tám đời chúa Nguyễn này không có hận thù gì với anh em Tây Sơn, đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở nước về phương Nam, đến tận Cà Mau, Châu Đốc, cống hiến cho tổ quốc non một nửa nước, trài dài từ Phú Yên trở vào Nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng hơn lãnh thổ nam tiến của các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê cọng lại. Không có sự nghiệp này thì hậu thế ngày nay lấy chi để khoe với thế giới rằng “nước ta hình cong như chữ S” với “rừng vàng biển bạc”?!

-Thứ hai: Phần mộ của ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long cũng bị quật lên và hài cốt ném xuống sông.Ông Nguyễn Phúc Côn là con thứ hai của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, mất năm 1765, khi con là Nguyễn Phúc Ánh đang còn bé. Khi vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế (1806) mới truy tôn cha làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, chứ cho đến khi chết dưới tay quyền thần Trương Phúc Loan, ông chẳng làm vua làm chúa gì. Chỉ vì con ông là Nguyễn Phúc Ánh dám chống lại Tây Sơn mà ông đã không được ngủ yên, lâm vào cảnh con làm cha chịu!
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho biết thêm một chi tiết khác:
“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người).
Thực lục có nói khi Nguyễn Ngọc Huyên chết thì được lập đền thờ và phong làm An Ninh bá. Ở thượng lưu sông Hương có một ngôi miếu, tục gọi là miếu Ông Chài, chính là miếu ông Huyên vậy.

Trong văn hóa Việt Nam, phận làm con cháu là phải lo gìn giữ mồ mả tiên tổ cha ông. Do đó chúng ta thông cảm với vua Gia Long chỉ trong 2 tháng sau khi tái chiếm Phú Xuân đã vội vã hoàn tất việc tu sửa lăng mộ bởi khi đã biết tình trạng lăng mộ bị phá tanh banh thê thảm như thế thì không một ai có thể chờ đợi được nữa.
Trong lịch sử Việt Nam, việc tranh giành quyền lực dẫn đến những hành động giết hại nhau tàn nhẫn không phải là hiếm. Điển hình, để cướp ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ không ngần ngại dồn Lý Huệ Tông vào chỗ chết, với ý đồ nhổ cỏ tận gốc, mặc dù Huệ Tông đã biết thân phận, bỏ ngai vàng, vào tu ở chùa Chân Giáo. Đã thế, Trần Thủ Độ còn bày mưu sập bẫy tôn thất Nhà Lý chôn sống trọn gói (may mà Hoàng tử Lý Long Tường nhanh chân thoát qua tị nạn ở Cao Ly, trở thành thuỷ tổ họ Lý của xứ Đại Hàn ngày nay). Nhưng có lẽ trong cuộc tranh chấp quyền lực chưa có ai trong lịch sử phải trả cái giá 5 mạng người ruột thịt và 9 ngôi mộ cha ông tiên tổ tanh banh với xương cốt không biết đâu tìm như trường hợp vua Gia Long trong khi đối đầu với Tây Sơn để phục hồi cơ nghiệp của ông cha đã tốn công xây dựng.Ở đời, có vay thì có trả. Nợ nào cũng có tính lãi suất, chỉ có khác là nặng hay nhẹ, không hình thức này cũng hình thức khác. Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không tạo nhân ác thì có thể đã không gặp quả ác. Hận thù luôn luôn vẫy gọi thù hận là chuyện thường của thế gian, huống chi lại có yếu tố tranh giành quyền lực trong đó, tham lam và sân hận hẳn phải bốc lên ngùn ngụt . Phải chăng nên thử tự đặt mình vào địa vị của vua Gia Long để có nhiều thông cảm và có lời phẩm bình phải chăng hơn.

Một vài cảm nghĩ
Là hậu thế, có lẽ không mấy ai vui khi biết sự thật của tấn thảm kịch Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long. Cả hai, đối với chúng ta, đều có chỗ đáng tôn vinh lẫn chỗ bất cập. Riêng ngưởi viết, từ tấn thảm kịch lịch sử này, học hỏi được một đôi điều, xin gọi là chia sẻ.
1/Qua việc điện thư của bạn bè và thân hữu gởi đến tới tấp kèm chuyện “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ,tôi nhận ra rằng té ra loại “lịch sử tiểu thuyết” dễ đi vào lòng người hơn là chính sử khô khan. Đồng ý khi tiểu thuyết hóa lịch sử thì tha hồ cho trí tưởng tượng vẽ vời nhưng cái căn bản của nó xin đừng đổi trắng thay đen. Thực lục ghi rõ vụ hành hình vua tôi anh em Cảnh Thịnh diễn ra ngày giáp tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 tức ngày 7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802. Làm chi có ngày Vu Lan trong đó? Có lẽ tác giả muốn gây ấn tượng cho ngưởi đọc về sự tàn ác khó dung tha của vua Gia Long nên mới lựa một ngày như thế. Tội nghiệp cho vua! Vua chỉ dự lễ hiến phù, không dự cuộc hành hình, chỉ sai quan thi hành, nên cuộc đối thoại tay đôi giữa vua và bà Bùi Thị Xuân cũng chỉ là cơ hội bày ra để mạt sát thoải mái. Tội nghiệp.
2/Việc cải táng mộ ông Nguyễn Phúc Côn có thể hiểu được, vì tìm được hài cốt và hài cốt này đã được vua Gia Long xác tín rằng đó là di cốt của người đã sinh thành ra ông. Nhưng với 8 chúa thì sao? Sử nói Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Đồng ý là xây lên cao, làm cho to lớn đẹp đẽ hơn xưa, nhưng hài cốt không tìm thấy thì chôn cái gì trong đó? Chẳng lẽ chỉ là một ngôi mộ trống không? Một cái mả gió?

Trong một dịp về thăm Huế sau 7 năm “đi học làm người tốt” (!), tôi được biết sau năm 1975, do đói quá, người ta đã làm bậy. Việc đào trộm mồ mả lăng tẩm giới quyền quí đã xảy ra với ý đồ tìm vàng bạc châu báu tùy táng. Người bạn kể cho nghe (tôi chưa có cơ hội kiểm chứng) khi cụ Vương Hồng Sển, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của Miền Nam, biết được kẻ gian đã kiếm được nữ trang trong lăng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và đem bán thì cụ đã kêu trời. Dưới cái nhìn cơm áo của kẻ trộm, đó là vàng, tính theo thời giá của chỉ và lượng. Dưới cái nhìn của cụ Vương, đó là đổ cổ vô giá của quốc gia! Nhưng đó không phải là chi tiết tôi quan tâm, vì bảo vật quốc gia người ta bán ra nước ngoài nhiều rồi. Chi tiết lý thú mà tôi nghe được đã giúp tôi hiểu biết thêm và lý giải thắc mắc nêu trên. Chi tiết đó là, bọn kẻ trộm, khi đào đến quan tài của một ông chúa nào đó đã không thấy hài cốt mà chỉ thấy hình người ta bằng gỗ! Điều này xác nhận giả thiết mà tôi đã nghĩ trong đầu nhưng không biết cách nào để kiểm chứng, ấy là tục chiêu hồn nạp táng.
“Chiêu hồn nạp táng là gì?
Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu. Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: "Chiêu hồn nạp táng".
Đó là những ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ... không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường.
Được nghe các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai, lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.
Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân.Lễ an táng và các lễ các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.
(http://www.kythu.net/Tang_le/Chieu-hon-nap-tang-la-gi/84.chtml)
2/ Hình như có một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Làm thầy thuốc lầm thì chết một người; làm thầy địa lý lầm thì giết một họ; làm chính trị lầm thì giết một nước, làm làm văn hóa lầm giết cả một đời.”

Dưới ảnh hưởng của môn phong thủy Trung Hoa, người Việt từ vua cho chí dân đều tin rằng âm phần tổ tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh và tương lai của con cháu. Bởi vậy ai cũng mong muốn tìm cho được một huyệt mả tốt để được kết phát, để con cháu được hưởng phước vinh hoa phú quí dài lâu. Bởi vậy, để tận diệt kẻ thù không gì bằng triệt long mạch, phá huyệt mộ, đào mả cha ông nhà người ta lên. Làm thế thì chắc chắn con cháu không thể nào ngóc đầu lên được, lấy gì mà chống trả. Quang Trung Nguyễn Huệ, ngoài việc sử dụng binh lực đánh Nguyễn Vương chạy dài ra biển, trốn qua đến Xiêm La hai lần, vẫn không quên sữ dụng chiêu thức này để hỗ trợ. Và để cho chắc ăn, thà phá lầm hơn bỏ sót, đã không những quật mồ thân sinh vua Gia Long là huyết thống trực hệ mà còn quật mồ cả 8 đời chúa Nguyễn xa lắc. Thật là một sự tính toán chu đáo.

Tuy toan tính chu đáo như vậy nhưng Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ chỉ tồn tại có 14 năm (1788-1802, 1788 là năm vua Quang Trung đăng quang trước khi ra Bắc phá quân Thanh), trong khi Nguyễn Vương, mặc dầu bị đánh trúng tử huyệt (theo quan niệm phong thủy) nhưng sau 25 năm bền bĩ chiến đấu nhọc nhằn, đã thống nhất đất nước, phục hưng được cơ nghiệp tổ tiên, lập ra triều đại mới, tồn tại 143 năm (1802-1945).

Vậy là thế nào? Chẳng lẽ phong thủy hoàn tòan là một thứ tin mê tín dị đoan? Không, không thể vì vậy mà kết luận phong thủy một cách hồ đồ như thế được. Cái nước Mỹ của khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới này cũng đang chạy theo Feng Shui (Phong thủy) của nền văn minh cổ Trung Hoa, có thua chi Việt Nam xưa và nay đâu, có điều họ chú trọng đến dương cơ hơn âm phần. Như vậy phải có một yếu tố gì khác làm cho độc chiêu do vua Quang Trung phát ra đã không có hiệu quả. Tôi chợt nhớ đến chữ Đức trong câu ca dao

Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau

Trong 8 đời chúa Nguyễn, không thấy ông nào làm điều gì thất đức. Ông nào cũng lo làm cho dân giàu nước mạnh. Lịch sử cuộc nam tiến đi từ Phú Yên đến Cà Mau-Châu Đốc chứng minh điều đó. Hậu thế đã được thừa hưởng biết bao phúc lợi từ sự nghiệp nam tiến đó!
Có 3 ông chúa mang danh hiệu khác người: Chúa Sãi, chúa Hiền, chúa Ngãi. Nghe nôm na và thân tình biết mấy. Nếu cai trị mà không được dân thương mến và biết ơn thì làm chi có những cách gọi kém vương giả nhưng giàu tình cảm như thế?
Có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo nhân, như Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Vân Tuyền đạo nhân (chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) hay Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần). Đó cũng là một nét đặc biệt.
Nhiều ông chúa xây chùa (chúa Tiên lập chùa Thiên Mụ, Long Hưng, Bảo Châu, Kính Thiên; chúa Hiền lập chùa Túy Vân) hay trùng tu chùa, đúc chuông, thỉnh sư giảng Pháp (chúa Minh).
Có lẽ nhờ biết tu nhân tích đức mà Đức năng thắng số, Số bất cập đức nên tai qua nạn khỏi, như câu tục ngữ mà ông bà xưa thường nói để dạy khôn cho con cháu: Trời hại mới lo, người hại như phấn nhồi. Đó là nói nôm na, cho có vẻ chính xác và minh triết hơn thì đấy chính là nhân quả nghiệp báo. Theo thiển ý, có lẽ hiểu theo cách này mới giải thích được chỗ bất cập của phong thuỷ.

Chú thích :

(1) Mãi đến mùa hạ năm 1806 (Bính dần) vua mới chánh thức làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hoà.
(2) Có thể xem: La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine, hồi ký của Bissachère viết năm 1807 do Charles B. Maybon biên tập và xuất bản năm 1920, từ trang 118 đến trang 120 trong http://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up
(3) Ngày 18 và 19/10/2008 tại Thanh Hóa có một cuộc hội thảo « Đánh giá lại chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn » được phóng viên ghi nhận là « một hội thảo lịch sử », có lẽ vì phải chuẩn bị tài liệu đến 20 năm và tỉnh Thanh Hóa đã tài trợ gần một tỉ đồng VN để tổ chức, Có hai nhận xét quan trọng được ghi nhận :
« Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”.
…………………….
« Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa » (http://www.thethaovanhoa.vn/133N20081020034945468T0/danh-gia-lai-chua-nguyen-va-vuong-trieu-nguyen-mot-hoi-thao-lich-su.htm
Tài liệu tham khảo :
-Quốc Sử Quán , Đại Nam Thực Lục, I, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2002
-Trần Gia Phụng, Nhà Tây Sơn, Nxb Non Nước, Toronto, Canada, 2005
-Stanley Karnow, VietNam, A History, Penguin Book, 1984
-Hoa Bằng, Quang Trung, Anh hùng dân tộc, Bốn Phương, Saigon, 1953
-Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hòa, Huế, 1995
-Charls,B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine, http://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up.
-Chiêu hồn nạp táng là gì ?
http://www.kythu.net/Tang_le/Chieu-hon-nap-tang-la-gi/84.chtml)

(4) Vua Gia Long có một thanh gươm mang tên Qui Y. Sử ghi rằng thanh gươm này có tính ưa giết người (hiếu sát), Tối hôm nào gươm tự động thóat ra khỏi vỏ thì hôm sau thế nào cũng có người phạm tội bị chém bằng thanh gươm đó. Vua Gia Long ghét tính hiếu sát của gươm bèn đem qui y cửa Phật và đặt tên là Qui Y (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu)
VÕ HƯƠNG AN

Đăng bởi trung05:45

Trường thọ thập bí kíp

Filled under:

Sưu tầm

                         (bài do các bạn Vô Tâm và Ngọc-Linh Nguyen giới thiêu)

 

 

 

  Kiện khương Trường Thọ Thập Bí Quyết này chẳng qua chỉ là những phương pháp áp dụng trong vòng 10 phút đồng hồ để tự chữa một số bệnh tật thông thường. Trong vòng mười phút thôi, chúng ta có thể tự mình đả thông các huyệt đạo quan yếu liên hệ.

    Mười phương pháp vận động kinh mạch toàn thân này rất giản dị. Chúng ta có thể áp dụng tại bất cứ nơi chốn nào và thời điểm nào trong ngày cũng rất thích hợp nên rất tiện lợi cho mọi người trong mọi lứa tuổi.

    Chúng ta không cần phải mua sắm dụng cụ thể thao, không cần đóng học phí cho trường huấn luyện mà ở tại nhà hoặc tại văn phòng hay nơi làm việc cũng có thể tùy tiện thực tập trong vòng giây lát.

  Mọi người trong chúng ta nếu muốn được sống khỏe, sống vui và sống trường thọ, xin hãy áp dụng các phương pháp dưỡng sinh này ngay từ bây giờ thì hiệu lực vô cùng hữu ích.

   Các phương pháp châm cứu, áp chỉ, án ma trong y học cổ truyền Trung Quốc hoàn toàn dựa trên nền tảng lấy sự vận hành của kinh mạch làm chủ yếu. Tuy nhiên châm cứu quan trọng hơn và có tính cách chuyên khoa hơn. Do đó người áp dụng phương pháp này phải là những nhà y học chuyên nghiệp.

    Còn áp chỉ và án ma là thứ yếu, là phụ kiện, và trong dân gian ai cũng có thể học được để tự chữa bệnh cho chính mình hoặc cho chính người thân của mình. Tuy nhiên không phải vì thế mà kém phần công hiệu. Vả lại, nếu chúng ta áp dụng thường xuyên mỗi ngày không những phòng chống được bệnh tật mà còn được khỏe mạnh, kéo dài được tuổi thanh xuân và trường thọ nữa. Khi nhức đầu thì mình trị nhức đầu, đau chân thì trị đau chân..., liên tục trấn áp bịnh tật không cho nó có cơ hội phát khởi thì thử hỏi sao mà không thể sống khỏe được.

    Về vấn đề vận hành kinh mạch trong cơ thể của con người, chúng ta có thể phân chia làm mười bộ phận và vị trí khác nhau.  

1.      Mắt : Tình Minh Huyệt và Thái Dương Huyệt.
 

2.      Tai : Phía sau ót có huyệt Minh Thiên Cổ.
 

3.      Mũi : Nghinh Hương Huyệt.
 

4.      Miệng: Phương pháp vận động của môi và răng.
 

5.      Mặt : Tất cả các huyệt đạo trên mặt.
 

6.      Cổ : Phía trước và phía sau của cổ.
 

7.      Ngực : Các kinh mạch tiếp cận ở phổi.
 

8.      Tay : Hiệp Cốc Huyệt, lòng bàn tay và lưng bàn tay.
 

9.      Thắt lưng : Huyệt Mạng Môn ở phía sau thắt lưng.
 

10. Chân : Huyệt Túc Tam Lý.

    Những huyệt đạo trong mười bộ phận của cơ thể con người rất quan trọng và mỗi huyệt phụ trách các nhiệm vụ khác nhau. Cho nên nếu hàng ngày chúng ta xoa bóp hay uốn nắn nó, làm cho nó được linh hoạt thì khả năng tiêu trừ bịnh tật rất cao. Giống như cơ thể của chúng ta, sau một ngày làm việc mệt mỏi cũng cần phải được nghỉ ngơi bằng giấc ngủ và dùng ba bữa ăn để bồi dưỡng. Phương pháp áp chỉ hay án ma này rất dễ thực hành. Chỉ cần nhớ một điều là trước khi áp dụng, chúng ta phải xoa mười đầu ngón tay và lòng bàn tay cho nóng gọi là để cho có tĩnh điện rồi mới bắt đầu thực hành.
 

Phương Pháp Thực Hành

1.-Mắt Và Thị Giác:

    Trong dân gian chúng ta thường nói, mắt là cửa sổ của tâm hồn, là cơ quan trọng yếu của con người giúp chúng ta trông thấy và phân biệt được mọi vật cụ thể ở chung quanh mình và trong phạm vi sinh hoạt. Chung quanh của mắt được bố trí các huyệt đạo như sau: Tình Minh huyệt, Ty Trúc Không huyệt và Ðồng Tử Giao huyệt v.v....

    Những huyệt đạo này có nhiệm bảo vệ và dinh dưỡng cho mắt luôn luôn được khỏe mạnh và trong sáng. Cho nên hàng ngày chúng ta phải xoa nắn các huyệt đạo này để cho nó lúc nào cũng linh hoạt nhờ máu huyết lưu thông điều hòa dể nuôi dưỡng các thần kinh của mắt và thị giác.

   Nếu chúng ta kiên tâm áp dụng hàng ngày có thể chận đứng được sự phát sinh của các chứng bệnh cận thị, viễn thị, loạn thị, đục nhân mắt và võng mô bị kết mạc. Ngoài ra phương pháp này cũng còn làm cho mắt trông lanh lẹ và có thần sắc.   Ðây là phương pháp xoa mắt theo lối áp chỉ. Hai bàn tay được xoa đi xoa lại nhiều lần làm cho nóng các ngón tay để phát sinh ra tĩnh điện.

 

 

   Sau đó dùng hai ngón giữa ấn lên Tình Minh Huyệt của hai mắt, kéo vòng lên chân mày tới Ty Trúc Không Huyệt, vòng xuống Ðồng Tử Huyệt và sau cùng trở lại Tình Minh Huyệt coi như xoa được một vòng (Xem hình B và C). Sức mạnh ấn xuống trong lúc xoa mắt vừa phải, không quá mạnh mà cũng không quá yếu. Trong khi xoa, đôi mắt nhắm lại, sau khi xoa xong, không nên mở mắt liền mà phải tiếp tục nhắm mắt từ 30 giây đến một phút

 

     Trong khi chưa mở mắt ra, chúng ta dùng đầu của hai ngón tay cái ấn lên huyệt Thái Dương, di động vòng vòng trong một vòng tròn nhỏ, từ 21 tới 36 lần. (Xem hình D). Phương pháp này có thể làm cho tỉnh não sau khi làm việc mệt nhọc vì vận dụng trí óc nhiều và cũng chữa được chứng nhức đầu rất hay.

 

2.-Xoa Tai:

    Chung quanh tai của con người có rất nhiều huyệt đạo (Hình E). Các huyệt đạo này lại liên quan đến hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Cho nên chỉ cần xoa bóp hai bên tai là có thể đã đánh thức sự vận hành của các cơ quan trong toàn thân. Cách xoa là áp hai lòng bàn tay vào tai, kẹp phần dưới của hai vành tai giữa hai ngón trỏ và ngón giữa rồi xoa theo cử động đưa lên đưa xuống từ 21 đến 36 lần. (Xem hình F).

   Sau khi xoa, toàn thân cảm thấy sảng khoái và ấm áp. Sau đó dùng hai bàn tay áp chặt để bịt kín hai lỗ tai lại. Các ngón tay hướng về phía sau và bợ lấy sau ót. Ngón trỏ đè lên ngón giữa, dùng sức bật ngón trỏ ấn mạnh xuống từ 21 đến 36 lần. Vì hai lỗ tai đã bị bịt kín, nên chúng ta nghe được âm thanh phát xuất như tiếng trống mà các môn sinh bên Ðạo Gia gọi là Minh Thiên Cổ. Âm thanh này giúp cơ thể trì hoãn sự lão hóa, trị được chứng ù tai và chữa được bệnh cao huyết áp.(Hình G).
 

 

 

 

3.-Xoa Mũi:

  Dọc theo sóng mũi có các huyệt đạo Tình Minh, Tiểu Nghinh Hương, Tỷ Thông và huyệt Nghinh Hương (Xem hình H). Phương pháp này có thể chữa được các chứng bệnh về mũi như nghẹt mũi, viêm mũi và chảy mũi v.v...Mỗi ngày chỉ cần xoa mũi hai lần có thể giảm bịnh và đồng thời tinh thần cũng được minh mẫn. Vì những người bị bệnh mũi, tinh thần không được tỉnh táo, hay lừ đừ, trí nhớ kém, không thể tập trung tinh thần nên học bài lâu thuộc. Chỉ cần chữa cho mũi được thông thì tinh thần và trí nhớ sẽ hồi phục lại như xưa.

      Trước hết chúng ta dùng hai ngón tay giữa cọ xát lại với nhau đến khi nóng lên, rồi đặt hai ngón tay này lên hai bên mũi xoa lên xoa xuống. Xoa lên đến điểm cao nhất là huyệt Tình Minh và thấp nhất là huyệt Nghênh Hương (xem hình I). Cử động từ 21 đến 36 lần. Mỗi lần cử động là kể luôn hai động tác xoa lên và xoa xuống.

 

 

 

 

4.- Xoa Miệng:

     Miệng gồm môi và răng. Môi thì gồm có môi trên và môi dưới. Môi trên có huyệt Hòa Giao và môi dưới có huyệt Thừa Tương (Hình J). Kích động hai huyệt này giúp chúng ta ngừa được các chứng cảm mạo, sưng nướu và chảy máu răng. Thực hành bằng cách đặt môi trên và môi dước ở giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay giữa, rồi kéo qua kéo lại theo cử động chiều ngang (Hình K). Mỗi lần xoa như vậy từ 21 đến 36 cử động.

    Xong rồi chúng ta cắn răng nghe cọc cọc từ 21 đến 36 lần. Phương pháp này là một cách dưỡng sinh hữu hiệu do các môn sinh Ðạo Gia đã thực hành từ thuở xa xưa để duy trì sức khỏe. Phần đông người ta bắt đầu từ 60 tuổi trở lên, răng cỏ ít nhiều cũng bị lung lay hay bị rụng. Tuy nhiên các vị Ðạo Gia ở Trung Quốc đã thực hành phương pháp cắn răng như thế. Họ coi như là một thứ công phu để giữ cho răng được bền vững, nên có người đã già mà răng vẫn còn đầy đủ và rắn chắc.

 

 

 

5.- Xoa Mặt:

     Trên mặt có rất nhiều huyệt đạo liên quan đến nhiều bộ phận trong cơ thể của con người như Thừa Khấp, Tứ Môn, Thần Giao, Quan Giao, Ðịa Thực và Ðại Nghinh (Xem hình L). Xoa mặt không những khích động sự tuần hoàn của máu điều hòa đến tận các mao huyết quản. Do đó dung nhan được hồng hào, tươi nhuận và kéo dài được tuổi thanh xuân.   

     Ngoài ra nó còn làm cho một số cơ quan khác trong cơ thể vận hành linh hoạt, trợ giúp sức mạnh cho ngũ tạng lục phủ.

      Ðặt hai bàn tay và các ngón tay lên mặt ở hai bên mũi. Lòng bàn tay hướng vào trong, tiếp xúc với da mặt (Hình M). Xoa lên xoa xuống từ 21 đến 36 lần. Tiếp tục áp dụng phương pháp này trong vài tháng sẽ thấy công hiệu phi thường. Nhất là đối với phụ nữ, các mụn nhọt và tàn nhan sẽ đần dần phai nhạt vì máu huyết đã được lưu thông điều hòa và các tuyến mồ hôi lâu nay bị bế tắc sẽ có cơ hội tái hoạt động và bài tiết các chất cặn bã ra ngoài để da được sạch sẽ và trơn láng.

 

 

 


6.- Xoa Bóp Cổ:

    Cổ là cơ quan trung gian nối tiếp giữa não bộ ở đầu và các dây thần kinh cùng huyết mạch đi khắp cơ thể. Khí quản, thực quản, động mạch, tỉnh mạch đều thông thương ngang qua cửa ải này.

    Phía sau của cổ có đến 12 kinh mạch, trong đó có Túc Thái Dương Bàng quang kinh, Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu kinh, Túc Thiếu Dương Ðảm kinh v.v... điều khiển cử động và sự vận hành các bộ phận trong cơ thể. Ngần ấy công việc đủ biết cổ quan trọng như thế nào. Những học sinh và sinh viên vận dụng trí não quá nhiều, cảm thấy mệt mỏi không muốn đọc sách thêm nữa, có thể xoa bóp ở phía sau cổ, sẽ thấy tinh thần sảng khoái và minh mẫn trở lại. Xoa cổ cũng là một động tác nhằm khích động sự hưng phấn của não bộ, làm cho tinh thần được phấn khởi.

     Cách xoa là dùng
bàn tay trái bóp nhẹ lên phía trước cổ, đặt cổ giữa gọng kềm của ngón tay cái và 4 ngón tay khác còn lại; ngón cái bên trái, còn ngón trỏ và 3 ngón kia thì ở bên mặt (Hình N). Xoa bóp bằng cách kéo từ trên xuống dưới từ 21 đến 36 lần động tác. Sau đó dùng trọn lòng bàn tay mặt ôm sau cổ lên chí ót. Xoa bóp cũng bằng cách kéo từ trên xuống dưới từ 21 đến 36 lần (Hình O).

 

 

 

 

7.- Xoa Bóp Ngực:

     Ngực là cơ quan tiếp cận với các tạng phủ bên trong của thân thể. Tuy nhiên xoa ngực gặp phải khó khăn hơn những động tác khác vì tất cả mọi người đều mặc áo, và người ta không thể tùy tiện cởi áo trước mặt mọi người. Ðối với nam giới, chúng ta có thể dùng hai lòng bàn tay đặt lên ngực trái và ngực phải rồi xoa bóp theo cử động lên xuống. Riêng đối với nữ giới, không cần cởi áo. Chỉ cần đặt hai lòng bàn tay lên ngực và cũng xoa lên xoa xuống, lòng ngực và phổi sẽ cảm thấy thoải mái, kích động sự vận hành của kinh mạch và các huyệt đạo liên quan đến các bộ phân khác được thông thương như bao tử, ruột non, ruột già, gan, thận, tim, phổi v.v... Riêng đối với thai phụ, áp dụng phương pháp này, sau khi sanh sẽ có rất nhiều sữa cho con bú.
 

8.- Xoa Tay:

    Phương pháp xoa tay rất giản dị và rất dễ thực hành; đi, đứng , nằm, ngồi gì đều có thể xoa được nên rất tiện lợi.

     Trước hết
dùng hai lòng bàn tay ma sát lại với nhau đến khi thấy nóng. Rồi dùng lòng bàn tay phải xoa lên lưng bàn tay trái từ 21 đến 36 lần. Sau đó đổi thế, dùng bàn tay trái xoa lên lưng bàn tay phải cũng theo cử động lên xuống, và cũng từ 21 đến 36 lần (Hình P).

     Xong động tác xoa lưng bàn tay, đến lượt xoa cổ tay. Dùng lòng bàn tay mặt nắm lấy cổ tay trái và xoa bằng cách kéo lên kéo xuống. Sau đó đổi thế dùng bàn tay trái nắm cổ tay mặt và xoa lên xoa xuống. Mỗi bên xoa từ 21 đến 36 lần động tác (Hình Q).

 

 

 

    Ðộng tác xoa tay này tuy rất đơn giản, nhưng công hiệu vô cùng. Vì trên tay có những huyệt đạo sau đây: Thủ Thái Âm Phế Kinh (liên quan đến phổi), Thủ Dương Minh Ðại Trường Kinh (liên quan đến ruột già), Thủ Thái Âm Tâm Kinh (Tim), Thủ Thái Dương Tiểu Trường Kinh (ruột non)....Vì chúng ta chỉ học cách thực hành, nên không cần đi sâu vào chi tiết các huyệt đạo phân bố như thế nào. Thực ra các huyệt đạo trên tay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo trì sức khỏe của con người. Rất tiếc có nhiều người không hề quan tâm đến lối chữa trị thông thường nhưng rất hữu hiệu này mà chỉ cầu cạnh vào thuốc men mà thôi.
 

9.- Xoa Bóp Thắt Lưng:

      Thắt lưng là nơi có rất nhiều huyệt đạo chủ yếu như Luyến Khu, Mệnh Môn, Dương Quang v.v...(Hình R). Hàng ngày cần phải xoa bóp khu vực quan trọng này để cho nó ấm lên, thì máu huyết sẽ lưu thông điều hòa làm cho thận, gan, ruột....đều được khỏe mạnh. Ðặc biệt cách xoa bóp này cũng làm cho cột xương sống linh hoạt, Tủy sống là nơi tạo ra máu huyết cho cơ thể, là tổng bộ của hệ thần kinh. Dùng hai bàn tay xoa với nhau cho thật nóng, úp lòng bàn tay lên hai bên xương sống và ngang thắt lưng, xoa lên xoa xuống cho thắt lưng nóng lên, từ 21 đến 36 động tác. Xoa như vậy thường xuyên mỗi ngày từ hai hoặc ba lần sẽ trị được chứng đau lưng rất hay. Tuy thuốc trị đau lưng nhanh chóng hơn, nhưng nó có tính cách nhất thời. Còn trị đau lưng bằng cách xoa bóp mỗi ngày như vậy bệnh sẽ không tái phát mà còn ngừa được nhiều chứng bệnh khác phát sinh.
 

 

 

 

10.- Xoa Bóp Chân:

     Chân có hai nơi quan trọng cần phải xoa bóp mỗi ngày. Ðó là xương đầu gối và huyệt Túc Tam Lý cách nắp xương đầu gối 25cm. (Hình S) và ở mặt trước của ống quyển (ống chân). Theo y lý Ðông Phương, đầu gối là nơi phát xuất ra các bệnh phong thấp, đau khớp xương và là trung khu gây cho xương bị lão hóa. Ðể phòng ngừa các bệnh tật này thường xảy ra cho người trọng tuổi, hàng ngày chúng ta phải xoa bóp nó thì bảo đảm xương cốt rắn chắc, vững vàng không thua sức lực của thời niên thiếu là bao nhiêu.

 

 

 

 

    Trước hết là xoa bóp xương đầu gối. Phương pháp thực hành là ngồi trên một chiếc ghế thật vững. Ðặt hai lòng bàn tay lên trên hai đầu gối. Tay trái đặt lên trên gối trái, tay phải đặt trên gối phải. Rồi bắt đầu xoa đầu gối theo động tác vòng tròn, cũng từ 21 đến 36 lần.

   Sau đó xoa huyệt Túc Tam Lý ở ống chân. Túc Tam Lý có nghĩa là đi bộ ba cây số. Từ đó chúng ta thấy rằng mọi sự đi đứng của con người đều nhờ ở lực của huyệt Túc Tam Lý. Bởi thế, ở Trung Quốc thời xưa, phần đông khi dự định đi bộ đường xa, người ta thường châm cứu huyệt Túc Tam Lý để đi đường ít bị mỏi mệt.

    Ngoài ra đối với những người ăn uống khó tiêu hóa, thận suy, hàng ngày năng xoa bóp huyệt đạo này, bảo đảm ăn uống biết ngon và tiêu hóa bình thường trở lại, không còn lo lắng về bệnh bao tử và đường ruột nữa. Ðể thực hành, chúng ta ngồi trên ghế, dùng hai bàn tay xoa huyệt này theo chiều lên xuống, mỗi lần là 36 động tác.

Kết luận

     Tóm lại, trên đây là mười bí quyết xoa bóp huyệt đạo để thân thể được khỏe mạnh và sống trường thọ. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần bỏ ra khoảng 10 đến 15 phút để thực hành phương pháp này liên tục càng lâu ngày, chúng ta sẽ cảm thấy sức khỏe có chiều hướng tiến bộ, ít bệnh tật và yêu đời hơn.

    Ðặc biệt đối với người trọng tuổi, vào mùa lạnh, cần quan tâm đến việc xoa bóp huyệt đạo nhiều hơn. Không phải ở trong nhà có máy sưởi, mặc áo ấm là có thể chống lạnh đầy đủ. Chống lạnh bằng cách này, thân thể co rút, không hoạt động dễ gây ra nhiều loại bệnh tật.

     Ðiều cần yếu chúng ta phải tập thể dục, đi bộ và xoa bóp huyệt đạo thì sự chống lạnh của cơ thể mới có tính cách tự nhiên và còn đề phòng được bệnh tật phát sinh nữa y học.

Đăng bởi trung02:23

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Người sưu tầm những bài thuốc quý trong dân gian

Filled under:

Ông Nguyễn Thư Hùng - hội viên hội Bấm huyệt Lạc Trung (Hà Nội) được nhiều người biết đến là lương y “mát tay” chữa bệnh bằng các phương pháp cổ truyền không dùng thuốc. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu một số bài thuốc hay để tham khảo.

Ông Nguyễn Thư Hùng đang hướng dẫn các huyệt liên quan đến cột sống

Chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian

Ông Nguyễn Thư Hùng, người đã bấm huyệt chữa bệnh gần ba mươi năm nay (ở phòng 308, ngõ 63 - phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết, nhiều phương pháp của ông rút ra được từ cuộc sống. Ví như"

Bị ngạt mũi, ông chỉ cần cắt vài lát tỏi bỏ vào chén nước lọc, sau lấy nước tỏi nhỏ vào mũi, sẽ thông.

Người bị bí tiểu tiện gây phù thũng, chỉ cần dùng lá hành luộc lấy nước uống, hoặc vỏ bí đao và râu ngô luộc lấy nước uống là khỏi.

Hay như ăn gỏi sống, nếu ăn kèm với lá mơ, do lá có chất khử độc mà không gây đau bụng. Gừng, riềng đều là những thứ gây nóng, ấm nên ăn gỏi sống kèm theo chúng sẽ không bị đau bụng. Những chứng bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hoá, sau này ông học được những bài châm và cứu từ một số lương y, và nhờ đọc sách của GS Nguyễn Tài Thu, rồi hệ thống lại theo cách của mình. Từ những bài chữa theo sách với nhiều huyệt, ông thử nghiệm trong thực tế chỉ giữ lại những huyệt quan trọng, thiết yếu để bệnh có thể chuyển biến nhanh hơn. Ông ví dụ,

bị tiêu chảy cấp chỉ cần đốt cái điếu ngải (làm bằng bột lá và cây ngải cứu nghiền mịn ra, cho thêm một ít keo làm hương, rồi ép thành điếu), hơ vào lỗ rốn là khỏi.

Nếu muốn hiệu quả hơn, cho thêm mấy lát gừng phủ lên rốn rồi hơ ngải, tiêu chảy cấp sẽ khỏi nhanh hơn.

Khi có bệnh thuộc về đại tràng, làm cho tiêu hoá kém, gây cho người bệnh chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, có thể dùng điếu ngải hơ vào rốn và hai điểm cạnh rốn (ngang với rốn bên trái và bên phải, cách rốn hơn một đốt ngón tay).

Nếu bị co thắt, đi đại tiện nhiều lần thì hơ ngải vào hai góc gấp của đại tràng, tức ở hai bên cạnh bụng, cách rốn khoảng ba phân. Cũng ở hai vị trí cạnh rốn, xoa bóp thường xuyên sẽ giúp quá trình tiêu hao mỡ bụng. Trẻ em thường biếng ăn, ông nói có trường hợp bố mẹ ép con ăn tới một chừng nào đó, đứa trẻ bỗng nôn ra hết, đó là do trong dạ dày đứa bé có quá nhiều hơi, đã đẩy thức ăn ra đằng miệng.

Cách đơn giản giúp các cháu bé siêng ăn là xoa bụng (phần trên rốn), sau mỗi lần xoa dừng lại dùng cả bàn tay ấn sâu một lúc (mục đích tống hơi thừa trong dạ dày thải ra).Sau nhiều lần xoa bụng đúng cách sẽ giúp trẻ ham ăn.

Tương tự, người già kém ăn, nếu con cái xoa bụng thường xuyên cho bố mẹ sẽ giúp các cụ ăn nhiều.

Người bị đau đầu do cảm mạo, mất ngủ... thì dùng tay bấm nguội trên vùng đầu, trong khi bấm thấy điểm nào “bung nhùng” (do máu tắc nghẽn dồn lên) thì bấm dồn chúng xuống gáy, xoa bóp vùng gáy giúp máu dãn ra dần hết đau đầu. Cách bấm, dùng mười ngón tay bấm dịch chuyển từ mép tóc trán dần dần xuống đến tóc gáy.

Người bị bệnh trĩ (trĩ nội và trĩ ngoại) chỉ cần hơ ngải lên huyệt bách hội (huyệt nằm trên đỉnh đầu) mỗi ngày ba phút, trong vòng một tuần đến mười ngày. Bên cạnh, kèm theo bấm huyệt và hơ ngải vào hai huyệt bàng cường trái và phải (ở đáy cột sống là huyệt trường cường, huyệt bàng cường trái và phải nằm hai bên huyệt trường cường, cách nó 1,5 đốt ngón tay). Cũng có thể thêm việc xông mông bằng ngải cứu.

Với nam giới bị thoát vị bẹn, cách chữa của ông là dùng ngón tay bấm mạnh hai bên đầu xương ở bộ phận sinh dục cho đến khi ruột co hết khỏi bìu.

Người bị bệnh vôi và gai cột sống, phương pháp chữa của ông Nguyễn Thư Hùng là rắc phấn rôm lên sống lưng và dùng cùi tay mài cho nó mòn dần đến khi hết gai, trong thời gian hai đến ba tháng tuỳ theo bệnh nặng hay nhẹ.

Người bị thoát vị đĩa đệm, lấy điếu ngải hơ nóng rồi dùng hai ngón tay miết nhiều lần hai bên cột sống. Chữa trong vòng hai, ba tháng, chụp X- quang thấy chúng về vị trí cũ thì ngưng chữa trị.
Chữa bệnh đơn giản tại nhà

Ông truyền vô vàn kinh nghiệm chữa bệnh đơn giản, mà hiệu quả. Phần lớn những cách chữa này không dùng thuốc, bao gồm châm cứu và xoa bóp, bấm huyệt. Từ khi mạng lưới y tế phát triển sâu rộng, những kinh nghiệm dân gian chữa bệnh không dùng thuốc bị lãng quên, mai một dần. Nhưng xoa bóp và bấm huyệt (thông thường còn gọi là bấm nguội) nay đang phát triển ở ngay giữa thủ đô Hà Nội. Dùng điếu ngải hơ vào huyệt (còn gọi là cứu nóng) cũng đang phát triển song cùng với bấm nguội”- ông Nguyễn Thư Hùng nói.

Nhiều người được ông Hùng chữa trị khỏi bệnh đã truyền tai nhau tìm đến ông. Nhiều bài chữa bệnh không dùng thuốc, được ông truyền lại cho người bệnh, phần lớn là miễn phí. Không ít hội viên hội Bấm huyệt Lạc Trung từng là học trò, được ông truyền nghề. “Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã có lần tình cờ thấy một hội viên (hội Bấm huyệt Lạc Trung) bấm “nguội” và cứu “nóng” cho một bệnh nhân, ông xem xét rất kỹ rồi nói “làm thế này được”, chúng tôi như được khích lệ” - ông Hùng cho biết. Phương châm của các hội viên rất giống nhau, đó là người bệnh cứ đến chữa, thấy khỏi bệnh thì trả tiền, nếu thấy bệnh trong người không thuyên giảm thì có thể không trả tiền. “Chúng tôi tự nhủ với nhau: không làm giàu bằng nghề chữa bệnh. Phải thấy: hạnh phúc không do tiền bạc mang lại, mà là được thấy người bệnh vui sướng vì khỏi bệnh” - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thư Hùng sinh năm 1929, quê Phú Xuyên, Hà Tây. Ông vào nghề y một cách ngẫu nhiên. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, khi đang làm công tác tuyên huấn thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Nam, ông đã được những người bạn học ngành y truyền lại cách chữa một số bệnh đơn giản, như đau đầu, đau bụng, đau lưng... Thường ông học được những bài chữa bệnh từ các bác sỹ tây y, lương y theo cách truyền khẩu. Tiếp đến, năm 1990 ông theo khoá học về năng lượng cảm xạ suốt ba năm, do bác sỹ Dư Quang Châu dạy. Ông thành công là nhờ tìm được bản chất liệu pháp do các bác sỹ tây y, đông y hướng dẫn, và ông sử dụng kết hợp được để chữa thành công nhiều ca bệnh.


Hồng Nhật

Đăng bởi trung02:14

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Các kinh nghiệm chữa bệnh trĩ trong dân gian hiệu quả

Filled under:


Bài thuốc chữa bệnh trĩ hiệu quả trong dân gian




Tôi có đọc một số bài thuốc chữa bệnh trĩ trong dân gian, trong số đó có đề cập đến tác dụng của cây thầu dầu. Có bài cho rằng giã nát lá thầu dầu ra rồi đắp vào hậu môn thì trĩ sẽ kéo lên và khỏi, có bài cho rằng giã nát lá thầu dầu rồi đặt lên đầu... Tuy nhiên khi tìm kiếm trong các tài liệu xưa, tôi tạm thời chưa thấy có ghi chép thực sự đầy đủ về những phương pháp trên. Duy có xem trong sách "Kỹ thuật của người An Nam" của Henri Oger, có một hình vẽ với tựa đề ghi bằng chữ Nôm là "Ấp lá thầu dầu" và phần chú thích bằng tiếng Pháp rằng: "Phương pháp chữa bệnh trong dân gian" nhưng không nói cụ thể là chữa bệnh gì. 

Qua hình vẽ này, chúng ta thấy những chiếc lá thầu dầu được để nguyên, không giã nát và đội lên đầu người bệnh. Điều này trùng với cách chữa bệnh trĩ ở Nghệ An, mà theo một bài viết về vấn đề này, tác giả bài viết nói "đây là bài thuốc truyền đời được cho là chữa bệnh trĩ hiệu quả" (Hoài Nghệ - Báo Pháp luật VN, Đội lá thầu dầu chữa dứt bệnh trĩ?) 

Xin đưa lại nguyên văn bài báo để chúng ta cùng tham khảo: 

Đội lá thầu dầu chữa dứt bệnh trĩ?

Số liệu thống kê của cơ quan y tế cho thấy có hàng triệu người dân Việt Nam đang ngày ngày âm thầm chịu đựng nỗi khổ vì những sự phiền toái và khó chịu từ căn bệnh trĩ. Ít ai biết ở Nghệ An, từ hàng chục năm nay đã có một bài thuốc truyền đời được cho là kỳ dị chữa bệnh trĩ cực kỳ hiệu quả: Đội lá thầu dầu.



“Bệnh khốn bệnh khổ”

Trĩ là bệnh tạo thành do tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị giãn từ áp lực trong ổ bụng, áp lực trong trực tràng và trong ống hậu môn tăng cao. Bệnh này có hai dạng trĩ nội và trĩ ngoại, triệu chứng dễ nhận biết là người bệnh bị chảy máu mỗi khi đi đại tiện hoặc hiện tượng búi trĩ “thò lò” ra ngoài hậu môn.

Mặc dù không gây nguy hiểm “cháy nhà chết người” nhưng người bị trĩ luôn cảm thấy cực kỳ khó chịu, thường xuyên có cảm giác vướng víu, đứng ngồi không yên. Theo thống kê của các cơ quan y tế, thời gian gần đây căn bệnh tế nhị này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi có một số trường hợp suýt mất mạng chỉ vì chữa trĩ không đúng cách.

Nhưng từ lâu nay, trĩ chỉ là “bệnh vặt” với người dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) bởi họ “cậy” vào bài thuốc của một lương y ở xóm 2 Tăng Tiến, xã Hùng Tiến (huyện Nam Đàn). Theo lời kể của những người từng chữa khỏi bệnh, bài thuốc này đặc biệt hiệu nghiệm, uống vào chỉ sau một ngày là có chuyển biến trông thấy, giúp cầm máu và đỡ đau rát, hết đợt điều trị là cũng hết cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại.

Phần lớn bệnh nhân sau khi chữa khỏi đã nhiệt tình giới thiệu cho những người “cùng chung cảnh ngộ”, khiến ngôi nhà của vị lương y ở cách thành phố Vinh gần 20km lúc nào cũng đông người đến xin thuốc.

Ngôi nhà ở sâu tận trong ngóc ngách, không biển hiệu quảng cáo nhưng từ ngoài quốc lộ đã có thể hỏi đường từ những người dân. Cách ngõ nhà một đoạn đã nghe mùi thuốc bắc thơm lừng. Anh Hoàng Năng Thành (SN 1965) cho biết anh là người kế tục nghề thuốc của cha sau khi ông cụ mất cách đây một thời gian.

Anh đã phải chuyển từ Vinh về sống tại ngôi nhà ở quê để có điều kiện tiếp tục chữa bệnh cho người dân và gìn giữ những bài thuốc gia truyền. Hỏi về bài thuốc chữa trĩ, anh Thành cười: “Phải đến một nửa người đến lấy thuốc ở đây bị mắc bệnh này. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và không khó chữa nhưng nhiều người để bệnh nặng mới bất đắc dĩ tìm thầy, chỉ vì… thấy ngại quá”.

Anh Thành cắt thuốc và giải thích công dụng của việc đội lá chữa bệnh

Khi bị trĩ hành hạ, người bệnh chỉ còn biết “nghiến răng” nguyền rủa cái thứ “bệnh khốn bệnh khổ” rồi ngọ nguậy tư thế đi, đứng, nằm, ngồi cho đỡ đau, ngoài ra chẳng biết làm thế nào. Đã bị trĩ thì làm gì cũng không thoải mái, có người ngày nào cũng mất vài tiếng đồng hồ ngồi trong nhà vệ sinh.

Nhưng thực tế cho thấy phần lớn người bệnh khi bắt đầu phát hiện dấu hiệu lại không đi chữa ngay, một phần vì coi nhẹ bệnh không gây chết người, một phần vì tâm lý ngại nói bệnh ở chỗ tế nhị, nhất là phụ nữ. Để bệnh kéo dài sẽ chuyển nặng mất máu lâu ngày làm suy nhược cơ thể, gây phiền phức vô cùng cho mọi sinh hoạt, thậm chí có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Thành kể có người hơn 10 năm “sống chung với trĩ”, khi khỏi bệnh mới đau khổ tâm sự: “Biết thế chữa sớm vì thú thực, bao năm nay đi đến đâu cũng nể người ta mà ngồi nhin nhín, chứ tui có ngồi được đâu, khó chịu ghê gớm lắm”.



Kỳ dị ngày hai lần đội lá thầu dầu 

Một điểm đặc biệt trong bài thuốc chữa trĩ ở đây là người bệnh đều được thầy căn dặn phải nhớ đội lá thầu dầu mỗi ngày nếu muốn bệnh khỏi nhanh. Hỏi những người đã chữa khỏi bệnh về tác dụng của hành động này, hầu hết đều lắc đầu không biết: “Thầy dặn sao thì làm vậy, nghe nói đội lá đó sẽ kéo trĩ đi lên”. Nhiều người không tin vào chuyện kỳ cục như vậy nên cho rằng chẳng qua đây là “mẹo” của thầy thuốc để củng cố tâm lý cho người bệnh, đồng thời “đánh bóng” cho phương thuốc có vẻ bí truyền.

Tuy nhiên lời giải thích của anh Thành lại khiến những ai có ý nghi ngờ đều phải “mắt tròn mắt dẹt” lắng nghe: Việc sử dụng lá thầu dầu là một thủ thuật chiếm vai trò quan trọng trong bài thuốc chữa trĩ. Đội lá không phải là “chiêu trò” gì mà có tác dụng thực sự.

Theo sách Đông y, lá thầu dầu (hay còn gọi là dầu vét) là vị thuốc có tính “thăng đề” (đi lên), khi người bệnh trĩ đội lá thầu dầu trên đầu, tính thăng đề của lá sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ việc đưa búi trĩ thòi ra trở về vị trí ban đầu. Một ngày cần hai lần đội lá, sáng và tối, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tiếng, tốt nhất khi thư giãn hoặc làm việc nhẹ.

Lá thầu dầu


Anh Thành chia sẻ thêm thực tế cũng không tránh được có người cho rằng đây chỉ là chữa mẹo. Không phải người bệnh nào cũng hỏi cặn kẽ vì sao phải đội lá và không phải ai anh cũng có điều kiện giải thích. Có người ở xa gọi điện về “khoe” một lần ông ta đội tới bảy lá (quan niệm con số 7 của đàn ông, con số 9 của đàn bà) vì nghĩ đội càng nhiều càng tốt.

Anh Thành khi ấy đã phải “đính chính” chỉ cần đội một lá trong vòng một tiếng là đủ, nếu đội nhiều đội lâu thì sẽ kích thích lớn đến thần kinh. Đội lá thầu dầu mang lại tác dụng tốt và thực hiện đơn giản, lá cây dễ kiếm, bứt một lá đặt lên đầu, đội thêm một chiếc mũ để giữ lá khỏi rơi, người bệnh vẫn đi lại sinh hoạt bình thường. Buổi tối khi có điều kiện nằm nghỉ ngơi, thay vì đội lá có thể đặt lá úp lên rốn sẽ cho tác dụng tốt hơn nữa.

Anh Thành cho biết tùy theo mức độ bệnh và cơ địa từng người, nhìn chung đối với những người bị bệnh trong vòng một năm trở lại, bài thuốc gia truyền của anh có thể giúp trị dứt điểm trong khoảng 12 ngày với 3 thang thuốc, kết hợp với các thủ thuật bên ngoài như đội lá thầu dầu. Cách sắc thuốc cũng yêu cầu tuân thủ quy định: Lần một, đổ 5 bát nước đun cạn lấy bốn bát; hai lần sau đó đều đổ bốn bát lấy 3,5 bát; sau đó tập trung cả mấy lần nước đã gạn rồi đổ thêm hai bát nước nữa đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 30 phút là được.

Thuốc sắc từ mỗi thang uống được trong bốn ngày, mỗi lúc uống cần đun sôi lại để đảm bảo chất lượng. Theo giải thích của anh Thành, nếu uống thuốc đặc quá, cơ địa con người không hấp thụ hết sẽ bài thải. Nếu thuốc nhạt quá lại không đủ độ, vì vậy cách sắc thuốc như trên sẽ giúp thuốc uống lần đầu cũng như lần cuối, không đặc quá, không nhạt quá.

Việc điều trị lần một đơn giản hơn rất nhiều so với phải điều trị lại. Nếu sau khi khỏi, người bệnh không giữ gìn để tái phát thì việc chữa trị phức tạp hơn nhiều, cả liều lượng thuốc và thời gian đều phải kéo dài. Xuất phát từ nguyên nhân gây bệnh, những người có nguy cơ vướng phải bệnh trĩ là phụ nữ sau khi sinh, những người thường xuyên phải làm việc chân tay quá nặng và cả những người phải ngồi làm việc triền miên ít vận động, hoặc những “đệ tử” của bia rượu và các chất kích thích có hại…

Theo lời khuyên của lương y, những người thuộc các nhóm trên cần biết giữ gìn sức khỏe để không gặp phải căn bệnh khó chịu trên, nếu phát hiện có dấu hiệu cần chữa trị càng sớm càng tốt, và tránh để tái phát.Một số lời khuyên khác cho người mắc bệnh trĩ:

Mỗi buổi sáng thức dậy nên uống một cốc nước sôi nguội vào mùa hè và nước sôi ấm vào mùa đông. Không ngồi quá nhiều, đặc biệt tránh ngồi xổm; vận động ở mức độ trung bình, không nên gắng quá sức; hạn chế các chất kích thích như rượu bia, đồ ăn cay nóng…

Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần giữ vệ sinh bằng cách xông rửa đều đặn đúng cách, sử dụng lá lốt, lá mướp đắng, lá hoặc hoa thiên lý đun sôi, dùng để xông hậu môn khi nước nóng và ngâm khi nước nguội.



Hoài Nghệ (Pháp luật Việt Nam)


 Một bài thuốc chữa khỏi bệnh trĩ

Một lần về thăm bố mẹ vợ ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, tôi ngẫu nhiên gặp mấy ông bà quanh khu vực đến cảm ơn ông cụ vì đã mách cho bài thuốc chữa trĩ hiệu quả, có người bị bệnh nặng mấy chục năm mà dùng bài thuốc này cũng khỏi bệnh.



Bố vợ tôi cho biết, bài thuốc này ông đọc trên báo Dân trí, thấy hay ông cắt lại rồi mách cho mọi người, trước hết ở dãy nhà C21 nơi ông bà ở. Mọi người dùng có hiệu quả, chuyền tay nhau, bài thuốc ngày càng được phổ biến rộng rãi.


Tôi tìm mãi mới thấy bản gốc, bài thuốc này đăng trên báo Dân trí số 03, trang 24 từ năm 1998 của tác giả Nguyễn Như An. Theo bài báo, ông An học được bài thuốc này từ những năm 1949 - 1950 khi là “Bộ đội Cụ Hồ” đóng quân ở vùng cao tỉnh Lao Cai, Thanh Hóa. Ông An đã mách bài thuốc này cho nhiều người và đều thu được kết quả cao, cả khi đóng quân ở nước bạn Lào và sau này làm chuyên gia giáo dục ở Angola.


Điều thú vị là bài thuốc này rất dễ tìm, dễ làm và chữa khỏi cả trĩ nội và trĩ ngoại. Tôi cũng đã giới thiệu bài thuốc này cho nhiều người, những ai tin tưởng và kiên trì đều khỏi bệnh. Bài thuốc này chỉ cần xông, không cần uống.


Các vị như sau: Lá sung, bỏ cọng, một nắm chặt trong tay. Lá ngải cứu, một nắm. Lá lốt, lá cúc tần, một nắm. Một củ nghệ, rửa sạch, tán nhỏ. Một chén con nước bồ kết đặc.
Cách làm:


Các thứ lá rửa sạch, thái nhỏ, cùng với củ nghệ đã tán nhỏ cho vào nồi, đổ 08 cốc nước, đun sôi thì cho chén nước bồ kết đặc vào, đậy vung kín, đun nhỏ lửa chừng 10 phút, sau đó đổ cả nước và bã vào bô rồi ngồi lên bô để xông cho hơi vào hậu môn từ 15 đến 20 phút.


Khi nước đã nguội bớt, sờ thấy còn nóng già đổ tất cả ra chậu, vun bã vào rồi ngồi đặt hậu môn lên khoảng 15 phút nữa. Sau đó dùng khăn mềm lau nhẹ cho khô rồi đi nằm nghỉ.


Lưu ý: Tuyệt đối không dùng bã thuốc chà sát hậu môn, tránh bị sứt sát có thể gây tổn thương và viêm nhiễm. Tuyệt đối kiêng không ăn thịt chó, uống rượu và hạn chế dùng đồ cay nóng.


Qua thực tế, người bệnh nhẹ chỉ cần xông một tuần, có người do bị bệnh hơn hai mươi năm nên đã bền bỉ xông đến hai chục ngày và đều khỏi bệnh, không tái phát.


Trần Vân Hạc

http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.asp...6&zoneparent=0



Kinh nghiệm một bệnh nhân đã sử dụng bài thuốc sau có kết quả rất tốt:


Lá sung tươi 30 gram sắc đặc uống.

Lá sung một nắm, Lá ngải cứu một nắm,  gừng 1 củ, đun nóng rồi cho vào một cái bô để sông vào hậu môn. Khi nguội thì vun lại và ngâm hậu mon 15 phút.

Làm hàng ngày cho đến khi khỏi (khoảng 7 ngày thì khỏi).

Quả sung chữa bệnh trĩ

Thứ Tư, ngày 06/04/2011, 13:57
(Suc khoe) - Trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm dùng trái sung để chữa trị bệnh trĩ – cả trĩ nội và trĩ ngoại
Tôi bị bệnh trĩ đã nhiều năm; chữa nhiều nơi, dùng nhiều thuốc, tốn nhiều tiền mà chưa khỏi. Gần đây, có người mách môn thuốc rẻ tiền, nói là rất hay: Chỉ cần dùng trái sung nấu canh ăn, có thể khỏi bệnh. Xin cho biết, có thể dùng trái sung chữa trị được không? Cách dùng cụ thể? (Lê Văn Bình, Đầm Hà, Quảng Ninh)

Trả lời:

Trái sung các cụ thời xưa gọi là “vô hoa quả” (quả không hoa), vì cây không thấy ra hoa mà đã có ngay quả. Nay ta biết, quả sung thực ra là một quả giả, do đế hoa tự tạo thành. Cây sung rất sai quả, quả từ gốc đến ngọn, chi chít trên cành, thành từng chùm trên thân cây và những cành to không mang lá, khi chín màu đỏ nâu.
Quả sung không những có thể dùng để ăn, mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. 

Theo Đông y, quả sung có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh đại tràng. Có tác dụng kiện tỳ thanh tràng (tăng cường tiêu hóa và làm sạch ruột), tiêu thũng, giải độc. Dùng chữa tiêu hóa bất lương (tiêu hóa kém), viêm ruột, kiết lỵ, đại tiện bí kết, trĩ sang (trĩ lở loét), thoái giang (lòi rom, sa trực tràng)

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong quả sung có nhiều chất dinh dưỡng quý, nhiều loại đường và nhiều acid hữu cơ. Đặc biệt là, trong quả sung còn xanh còn chiết xuất được những thành phần có tác dụng chống ung thư.
Quả sung chữa bệnh trĩ, Sức khỏe, Qua sung chua benh tri, chua benh tri, qua sung, benh tri, la sung, tri noi, tri ngoai
Quả sung không những có thể dùng để ăn, mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh (nguồn ảnh: internet)
Đúng là, từ xưa trong dân gian có lưu truyền kinh nghiệm dùng trái sung để chữa trị bệnh trĩ – cả trĩ nội và trĩ ngoại. Kinh nghiệm dùng trái sung, vỏ cây và lá sung để chữa trĩ, cũng thấy được đề cập trong một số sách thuốc Đông y. Cụ thể, bạn có thể sử dụng như sau:

- Dùng trái sung xanh (quả chưa chín đỏ). Trái tươi hay hái khô đều được, nhưng đến mùa quả, nên hái lấy vài cân, đem phơi khô, cất đi dùng dần. Hàng ngày dùng 15 – 20 quả, lòng lợn 1 đoạn, nấu canh ăn. Món canh này có tác dụng dự phòng và điều trị khá tốt trĩ nội và trĩ ngoại. Có thể ăn liên tục đến khi khỏi bệnh. Đối với trường hợp sa trực tràng do táo bón, hàng ngày có thể dùng 5 – 10 quả, sắc lấy nước uống.

- Dùng 10 quả sung; nếu không có quả có thể dùng 1 miếng vỏ cây (cỡ 2 bàn tay, đẽo bỏ vỏ ngoài) hoặc một nắm to lá sung, nấu với 1,5 – 2 lít nước. Tối trước khi đi ngủ khoảng 30 phút nấu nước xông giang môn, khi nước đỡ nóng (nhiệt độ còn 370C – 380C) thì lấy nước rửa. Mỗi ngày rửa một lần, liên tục 8 – 10 ngày (1 liệu trình), cũng có tác dụng trị liệu tốt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một số trường hợp chỉ xông – rửa như vậy mà bệnh cũng khỏi.
(Theo Tri thức trẻ)


Đăng bởi trung16:46