Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Sự thực ít biết về Tượng thần tự do NewYork ở Hà Nội xưa

Filled under:

print friendly
(Kiến Thức) - Tượng nữ thần tự do nay là một biểu tượng của thành phố NewYork nói riêng và nước Mỹ nói chung. Nhưng ít ai biết Hà Nội từng có một phiên bản của bức tượng này.



Người Mỹ nói chung và người dân NewYork nói riêng coi tượng thần tự do là biểu tượng đáng tự hào của họ. Nhưng thật ra, đây lại là tác phẩm của các nhà kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ 19. Năm 1875, chính phủ Pháp đã đặt hàng kiến trúc sư Bartholdi một bức tượng để tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ. Phải mất gần 10 năm, Bartholdi mới hoàn thành công trình tượng thần tự do khổng lồ với khối lượng 204 tấn này. Năm sau, tượng được đưa lên tàu chiến Mỹ đem về đặt ở cảng New York. 

Sau khi trao cho chính phủ Mỹ tượng thần tự do, người Pháp cũng tạo thêm một vài phiên bản nhỏ hơn nhiều để đem dự triển lãm. Một trong số những phiên bản đó được đem sang triển lãm ở Việt Nam năm 1887 và sau đó, được tặng cho thành phố Hà Nội. Bức tượng mang sang Hà Nội cao 2,5m làm bằng đồng. Vì tượng mặc áo lòe xòe nên người dân gọi nôm na là tượng bà đầm xòe. 

Lúc đầu, tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần tòa công sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương muốn thay vào đó tượng Pôn Be (paul Bert) - viên toàn quyền Đông Dương đầu tiên, nên đã hạ tượng bà đầm xòe xuống. Trong lúc còn chờ xây dựng bệ đá đặt tượng Pôn Be và tìm vị trí mới đặt tượng bà đầm xòe, cả hai bức tượng bị hạ xuống nằm chỏng trơ trên nền cỏ. Nhân đó, người Hà Nội đặt câu vè để chế diễu:
“Ông Pôn Be lấy bà đầm xòe
Trước nhà kèn ò e í e”

Sau nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội quyết định đặt tượng bà đầm xòe trên nóc tháp Rùa mà họ gọi là ngôi đền nhỏ. Bức tượng được đặt ở đó từ năm 1891 đến 1896. Mặt tượng hướng về phía đông tức là khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay. Sau năm 1896, một lần nữa người ta lại di dời bức tượng này về vườn hoa Cửa Nam.


 Ảnh chụp tháp rùa với tượng bà đầm xòe được đặt trên nóc.

Tháng 7/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được quân Nhật dựng lên. Ở Hà Nội, cụ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng. Là một người yêu nước, cụ Lai đã cho đổi lại tên hầu hết các con phố Hà Nội từ những tên của Pháp sang tên các danh nhân nước Việt mà cụ biết. Đồng thời với hành động đó, cụ Lai cũng ký quyết định cho giật đổ nhiều tượng đài tàn tích của thực dân Pháp. Một trong số chúng là tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. 

Như vậy, so với “người anh em” của mình bên Mỹ, tượng bà đầm xòe đã không thể yên ổn ở một chỗ. Ít nhất nó đã phải ba lần di chuyển. Và trong khi tượng thần tự do ở Mỹ trở thành một biểu tượng để người dân nước này tự hào thì tượng bà đầm xòe là thứ khiến cho người Việt căm ghét vì nó gắn với sự xâm lăng của bọn thực dân.

Những thứ tự do, bình đẳng, bác ái giả hiệu mà bọn thực dân nêu ra khi xâm lăng nước Việt không thể ru ngủ người Việt. Bởi thế, chúng chẳng thể đặt bức tượng lòe bịp ấy ở yên một chỗ lâu dài. 

Người Việt ta có tính tiết kiệm, phàm cái gì đã hư hỏng cũng đều cố tận dụng để làm việc khác. Từ khi thứ nghề “đồng nát” ra đời, những vật hỏng quá không còn giá trị sử dụng thì đem bán đồng nát cho đỡ phí của. Và tượng bà đầm xòe cũng được người Việt cho đi theo truyền thống. Đó là thanh lý đồng nát. 

Cụ thể, năm 1952, dân làng Ngũ Xã – một làng có nghề đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội, có ý định đúc một bức tượng phật A Di Đà, họ đã xin mua lại hai bức tượng trên để lấy đồng. Pho tượng A Di Đà này cao 3,95m, nặng hơn 12 tấn được đánh giá là hoàn hảo, không hề có một chút sai sót nào về kỹ thuật đúc và là pho tượng A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam. 
 Hiện tại tượng ông Pôn Be và bà đầm xòe đã nằm trong pho tượng
phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã.

Vậy là tượng ngài Pôn Be với “bà đầm xòe” – đại diện cho cái tự do giả hiệu ở xứ An Nam bị nấu chảy để đúc nên tượng phật A Di Đà với gương mặt hiền từ luôn cảm thông, cứu vớt những nỗi đau trần thế. Sự kết thúc của pho tượng nữ thần tự do ở Việt Nam có thể là vô tình hay hữu ý của những người thợ đúc. Tuy nhiên, nó rất hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Truyền thống đó là luôn tiếp thu văn hóa bên ngoài để làm giàu nền văn hóa của dân tộc nhưng cũng luôn bài trừ rất mạnh những yếu tố văn hóa đi cùng các đội quân xâm lược. 


Minh chứng cho điều này, ta có thể ví dụ: học thuyết Nho giáo đã phát triển từ trước Công Nguyên ở Trung Quốc, tuy nhiên, suốt gần 1.000 năm người Hán thống trị nước Nam, dù dùng vũ lực để ép người Việt học văn hóa Hán, ăn mặc giống người Hán mà kết quả vẫn chẳng được bao nhiêu. Nhưng từ khi người Việt lấy lại độc lập thì lại chủ động tìm học Nho giáo và tạo ra một thời vàng son của chế độ khoa cử. Nhiều trí thức Việt khi sang phương Bắc đối đáp về Nho giáo, Khổng học khiến triều đình Trung Quốc phải kính nể. Đó là một minh chứng rất rõ ràng về khí phách kiên cường bất khuất của người Việt Nam.

Đăng bởi trung16:48

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Mỹ không có bộ giáo dục, còn VN có văn hóa truyền khẩu

Filled under:



Cái tựa entry này sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, thậm chí khó chịu. Một cái tựa ... rất vớ vẩn. Vì hai phần trước và sau dấu phẩy chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng nếu kiên nhẫn đọc đến hết bài, sẽ thấy giữa 2 phần có chút liên hệ logic. Là tôi nghĩ thế.

Trước hết, nói về phần đầu của cái tựa. Tôi rất mong những bạn đọc blog của tôi đều biết điều khẳng định ấy là sai. Mong vậy thôi, chứ không dám chắc. Vì ở Việt Nam, đã có nhiều hơn một người dám công khai khẳng định rằng Mỹ không có bộ giáo dục. Xin mở ngoặc, tôi nói "nhiều hơn một" có nghĩa là 2, vì tôi biết chắc chắn là có ít nhất 2 người; nhưng theo cách nói của tiếng Anh thì "nhiều hơn một" được hiểu đơn giản là "nhiều"; có lẽ cũng không sai!

Nói có sách, mách có chứng. Trước hết, xin mọi người hãy đọc entry của GS NVT, Việt kiều Úc, người đã từng rất ngạc nhiên, thậm chí shocked, khi đọc trên báo Việt lời khẳng định nói trên. Entry ấy ở đây.

Xin trích lại ở đây lời phát biểu của chuyên gia ấy, hiện vẫn còn nằm nguyên trên mạng, ở đây. Format in đậm nghiêng do tôi thêm vào để nhấn mạnh.
Ở Anh, Mỹ, khi kiểm định, Hội đồng thẩm định có quyền tối cao, nhà nước không tham gia nữa vì họ không có Bộ GD-ĐT.


Uả, vậy chứ mấy nước này có bộ giáo dục không vậy? GS NVT đã viết rất rõ ràng:
Ở Mĩ, bộ này có tên là “U.S. Department of Education” và website đàng hoàng www.ed.gov/index.jhtml. Còn Anh thì bộ giáo dục và đào tạo xuất hiện qua nhiều tên khác nhau như Ministry of Education (trước đây là Board of Education). Tra wikipedia thì được biết cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo của Anh đã trải qua nhiều tên như Department for Education and Skills (từ năm 2001 đến 2007), Department for Children, Schools and Families (2007), Department for Innovation, Universities and Skills (2007-2009).


Nói thêm, 2 trang web của 2 Bộ Giáo dục này, đặc biệt là Bộ Giáo dục của Mỹ, là những địa chỉ tôi ra vào thường xuyên lắm lắm. Vì chúng rất hay. Vào trang web của bộ giáo dục Mỹ, tôi tìm được các thông tin về chủ trương, chính sách, hoặc cơ cấu tổ chức, nhân sự, và hoạt động của Bộ Giáo dục và chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề giáo dục của toàn nước Mỹ.

Và quan trọng hơn đối với tôi, ở đó còn có các số liệu thống kê về giáo dục Mỹ, các thực tiễn tối ưu (best practices) liên quan đến giáo dục để mọi người cùng học hỏi, các tài liệu hướng dẫn thực hành các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập, và cả các nghiên cứu hàn lâm nữa.

Rất thuận tiện, và đáng đọc, cho tất cả mọi người đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục dưới những vai trò khác nhau - giáo viên đứng lớp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và các vị lãnh đạo ngành giáo dục. Trang ấy ở đây. Hình ngay dưới đây.

Trước đây tôi cũng có đọc cả phát biểu của chuyên gia ở Hà Nội lẫn entry của GS NVT, nhưng tin rằng có lẽ phóng viên ghi nhầm vì không hiểu hết ý của người phát biểu. Gì chứ việc này ở VN dễ xảy ra lắm. Nên bỏ qua, không chú ý.

Nhưng tôi thực sự giật mình khi cách đây 2 ngày, trong chuyến công tác Thái Lan vừa qua, được nghe lại lời phát biểu cũng vẫn chắc như đinh đóng cột như thế của một chuyên gia giáo dục đại học khác, lần này là chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh (cho nó cân bằng í mà): Mỹ không có bộ giáo dục!

Sao thế nhỉ? Cả hai chuyên gia có những phát biểu "giật gân" này tôi đều biết rõ, là đồng nghiệp hẳn hoi, và là những nguời tôi đánh giá cao, làm việc khá nghiêm túc, giỏi giang hơn mức trung bình chung trong giới rất nhiều. Cả hai đều đã học nước ngoài, nước tư bản cẩn thận, sử dụng tiếng Anh thoải mái trong công việc.

Hai chuyên gia giáo dục của VN, một Nam một Bắc, đều đã công khai khẳng định nước Mỹ không có bộ giáo dục?

Băn khoăn, tôi hỏi hai người. Một người là một đồng nghiệp khác, đi cùng đoàn với tôi, và ngồi gần tôi trên cùng chuyến bay từ Bangkok về Sài Gòn. Người ấy nói, không tỏ ra bức xúc lắm, rằng có lẽ người ta muốn nói không có bộ giáo dục theo kiểu của mình, tức một bộ giáo dục can thiệp quá sâu vào việc vận hành của các trường. Nhưng tôi chưa cảm thấy thuyết phục lắm. Vì như thế, thì phải nói rằng ở Mỹ, bộ giáo dục không can thiệp vào việc của các trường, chứ không thể nói là không có bộ giáo dục.

Người thứ hai mà tôi hỏi, vâng, còn ai trồng khoai đất này nữa, đó là ông xã tôi. Và ông ấy nói, "Em ơi, đúng rồi còn gì, Mỹ nó đâu có các ministry giống như mình. Nó gọi là department mà!"

Và thế là tôi bỗng ngộ ra mọi việc (ừ, thì tôi tưởng bở thế). Nên mới bật ra phần thứ hai của cái tựa này. Tôi nhớ mang máng cũng đã từng nghe ai đó, rất lâu rồi, kể về việc nhầm lẫn này. Mỹ không gọi là ministry và minister (bộ và bộ trưởng như Việt Nam và một số nước khác), mà nó gọi là department và secretary. Ví dụ, department of education và secretary of education. Nếu không thực sự hiểu biết về thế giới (thời VN đóng cửa, chưa có internet), thì khi gặp từ department of education dám dịch là "bộ môn giáo dục", và secretary of education dịch là "thư ký bộ môn giáo dục", không biết chừng!

Vậy thì, có thể mọi việc đã diễn ra như thế này chăng: có ai đó (cỡ bậc thầy, cao niên một chút) nghĩ rằng Mỹ không có bộ giáo dục vì thấy nó không có "ministry of education". Người ấy đã chân thành nhưng hăng hái phát biểu suy nghĩ nhầm lẫn này công khai ở nơi nào đó. Với một ấn tượng rất sâu sắc rằng vì Mỹ không có bộ giáo dục nên các trường đại học được sự tự chủ rất cao (điều này không phải là sai hoàn toàn: có bộ, nhưng bộ không can thiệp gì nhiều, các trường rất chủ động --> có thể coi như là không có bộ?)

Sau đó, những người khác cứ thế mà phát biểu theo, không kiểm chứng lại?

Có lẽ những gì tôi viết ở trên chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Nhưng nếu không dùng đến sự tưởng tượng này, thì tôi thực sự không làm sao lý giải được những phát biểu tự tin, công khai đến thế của các đồng nghiệp đáng kính kia của tôi.

Mà suy cho cùng, chẳng phải văn hóa truyền khẩu đã ăn rất sâu vào người VN chúng ta rồi sao? Mời đi ăn cưới, dự tiệc, hoặc thậm chí đi họp, nếu chỉ đưa thiệp/giấy mời, thì như thế là không coi trọng, người ta sẽ không đi. Phải gọi điện, nói đến tận tai, thì mới là thông tin chính thức.

Cũng vậy, thông báo dán sờ sờ trên bảng, nhưng vẫn cứ phải chen chúc đến chỗ người văn thư để hỏi, mới thấy yên tâm, mới tin là thật. Nếu có sự khác biệt giữa giấy và lời, thì người Việt tin vào lời hơn là tin vào giấy. Văn hóa truyền khẩu mà.

Ai không đồng tình với entry này của tôi, xin cho tôi lời giải thích khác. Mong lắm lắm, và cám ơn lắm lắm!

Còn các vị đồng nghiệp của tôi nếu có đọc entry này, mong các vị không giận, vì tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm các vị. Nhầm lẫn cũng là bình thường thôi, quan trọng là khi nhận ra mình nhầm thì sửa lại. Chứ đừng tự vệ bằng cách cãi cho lấy được, thà chết chứ nhất định không nhận mình sai.

Mà dân trí, quan trí, "trí trí" (= trí tuệ của trí thức) của ta như thế này, đố biết khi nào VN có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế?

Đăng bởi trung14:41

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật

Filled under:

Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật
GiadinhNet - Từ câu chuyện vô tình chứng kiến trên chính quê hương mình, lương y Phan Văn Sang , hiện đang công tác tại Phòng khám Đông y, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng – trạm y tế phường 7, quận Gò Vấp đã bào chế thành công bài thuốc quý từ trái sung để áp dụng vào trị bệnh sỏi mật, sỏi gan. Cuộc trò chuyện tại phòng khám, lương y Sang vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên sở hữu bài thuốc đặc biệt này.
Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật 1
Lương y Sang được tặng giấy chứng nhận của Hội Đông y và châm cứu TP.HCM. Ảnh TG
Cơ duyên với phương thuốc quý
Quê gốc của lương y Sang ở xã Cát Thánh, huyện Phù Cát . Ông còn nhớ, những năm sau giải phóng, mảnh đất nơi ông sống gặp vô vàn khó khăn vì hạn hán xảy ra liên miên. Mỗi khi người dân trong vùng mắc bệnh, họ đều phải đi tìm những bài thuốc dân gian để trị bệnh, phần vì bệnh viện ở khá xa, phần bởi cuộc sống của bà con chẳng lấy gì làm dư dả. Chứng kiến những bài thuốc từ cây cỏ mọc xung quanh đã cứu sống biết bao mạng người, chàng trai trẻ Lương Văn Sang đã bị kích thích mạnh mẽ. Những trăn trở về y thuật dân gian, về cái nghiệp hành thiện cứu người đã khiến chàng trai lặn lội tìm hiểu các phương thuốc mà chưa sách vở nào ghi chép. May mắn hơn, lương y Sang đã được một người tinh thông y thuật ngay tại quê nhà nhận làm đệ tử. Không quản ngại mưa nắng, ngày nào hai thầy trò cũng đi đây đó tìm những bài thuốc dân gian chữa bệnh cứu người. Cũng trong thời gian này, ông đã được sư phụ truyền lại nhiều bài thuốc quý.
Đau đáu cái tâm với nghề nên những ngày ở trong quân ngũ, lương y Sang vẫn luôn mày mò tìm kiếm những dược liệu quý. Năm tháng sống giữa chốn “rừng thiêng nước độc” lại là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều loại thảo dược mà không phải ai cũng may mắn có được. Rời quân ngũ, ông trở lại làng quê nhưng chưa bao giờ gác lại sở thích đó. Ông vẫn thường xuyên rong ruổi khắp các làng xóm, tìm gặp những lang y vườn để có bài thuốc hay. Đó cũng là cơ duyên giúp ông may mắn đến được với bài thuốc có thể chữa tan hoàn toàn sỏi gan, sỏi mật. Theo lương y Sang, câu chuyện xảy ra khoảng năm 1976, vào một buổi chiều muộn trên chuyến xe tỉnh đi về huyện Phù Cát, ông đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa một bà lão và người phụ nữ trên xe về một cô bé đang mắc căn bệnh sỏi mật khá nặng. “Tôi nhớ rất rõ, lúc đó ngồi cạnh tôi là một người mẹ ăn mặc rách rưới, tay ôm chặt đứa con nhỏ da mặt vàng sạm, nom rất yếu ớt. Ngồi kế bên là một bà cụ miệng nhai trầu bỏm bẻm, thấy tình cảnh tội nghiệp của hai mẹ con nọ nên tôi bắt chuyện. Thì ra, đứa bé bị sỏi mật nằm ở Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn được bác sĩ chỉ định mổ nhưng vì mắc chứng máu khó đông nên người mẹ ấy đành bế con về nhà nằm chờ chết”, lương y Sang nhớ lại.
Sau khi bà mẹ vừa dứt lời, cụ bà đáp lại ngay: “Chết cái gì mà chết, bệnh này không cần phải mổ xẻ gì cả đâu. Chị nghe lời tôi, về nhà hái một rổ sung xanh, thái mỏng phơi khô sao vàng cho vào nồi, đổ ngập nước nấu cạn còn nửa nồi thì cho cháu uống, dần sẽ hết bệnh”. Nghe lấy làm lạ nhưng cũng muốn biết thực hư tác dụng của trái sung đối với bệnh sỏi nên ông quyết theo chân mẹ đứa bé về kiểm nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, bệnh tình của cháu bé chuyển biến tích cực và bé liên tục đòi ăn đòi uống, mặc dù thời gian trước đó cô bé chẳng ăn uống được gì. Những ngày sau đó, cô bé vẫn được mẹ sắc nước từ trái sung cho uống và dần khỏi hẳn. Sự kiện thoát khỏi tử thần nhờ trái sung mọc hoang của cô bé khiến ai nấy đều lấy làm lạ. Vì thế, ông đã dò la tin tức của bà lang trên để học hỏi kinh nghiệm rồi tự mình nghiên cứu tác dụng trị bệnh của trái sung.   Công dụng thần kỳ của trái sung  
Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật 2
Sung là loại cây mọc hoang nhiều ở các vùng quê Việt Nam.

Sung là một loại cây dân dã mọc rất nhiều ở các vùng quê nhưng ít ai biết được công dụng trị bệnh của nó. Theo Y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, có tác dụng kiện tỳ, ích vị, nhuận tràng… Lương y Sang cho biết, trái sung có tên khoa học là Ficus carica, thuộc họ dâu tằm, bên trong có chứa axit béo và một số hoạt chất tốt cho tim mạch, giàu phenol. Thú vị hơn, trái sung phơi khô có tác dụng trị bệnh sỏi mật cực kì hiệu quả. Nói về bài thuốc chữa bệnh sỏi mật, sỏi gan từ trái sung, ông Sang cho biết: “Bệnh sỏi mật do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như ăn phải thực phẩm nhiễm độc tố cộng với bộ phận gan suy yếu. Về mặt y lý, khi gan suy yếu chức năng, lượng dịch mật được cơ thể tiết ra hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn không được giải phóng hết. Lâu dần, dịch mật kết tủa tạo thành khối u gọi là sỏi. Ngoài phương pháp tây y là phẫu thuật cắt bỏ, bài thuốc Nam từ trái sung cũng sẽ làm tiêu tan được sỏi”.
Với mong muốn bài thuốc của mình sẽ được phổ biến rộng rãi khắp cả nước để mọi người có thể áp dụng chữa trị, ông không ngần ngại tư vấn miễn phí trực tiếp hoặc qua điện thoại và hướng dẫn cách thức bào chế thuốc cho người bệnh có nhu cầu. Theo lương y Sang, khi bào chế thuốc nên chọn hái những trái sung không quá non nhưng cũng không quá già, đem đập dập hoặc thái mỏng phơi khô. Tiếp sau đó, đem lượng sung khô sao vàng hạ thổ , dùng sắc lấy nước uống theo công thức, mỗi ngày dùng 200g. Mỗi người bệnh khi tìm đến phòng khám đều được lương y hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ: “Cho 200g trái sung vào nồi, đổ 4 chén nước rồi đun sôi đến khi cô cạn còn 1 chén thì để uống. Và nên chia uống nhiều lần trong ngày sau mỗi bữa ăn để tránh cơ thể mệt mỏi do hàm lượng thuốc đậm đặc. Những người mắc chứng bệnh sỏi gan, sỏi túi mật, sỏi thận cần phải chú ý kiêng một số thực phẩm như: Trứng, mỡ, nội tạng động vật và các loại hải sản”. “Khi người bệnh uống nước từ trái sung đã được rang vàng hạ thổ thì những chất có trong nó sẽ tiếp xúc với khối sỏi và làm cho nó mềm đi, tan dần rồi bị đào thải ra bên ngoài qua đường bài tiết. Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà có thời gian điều trị khác nhau, có người khoảng 2-3 tháng, lâu hơn thì phải mất 5-6 tháng”, ông Sang lý giải.   Tuy nhiên, theo ông Sang, người bệnh uống liên tục từ 1-3 tháng thì khi đi siêu âm sẽ có được kết quả khả quan. Nói về tác dụng chữa bệnh kỳ diệu từ quả sung, loại trái cây mọc hoang nhiều ở các làng quê Việt Nam, lương y Sang cho rằng: “Thuốc không phân đắt rẻ, thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay! Tôi không có quan niệm giữ khư khư một bài thuốc hay bí quyết nào cho riêng mình. Để có thể cứu giúp cho người thì bài thuốc đó phải được phổ biến rộng rãi”.              
Về bài thuốc trị sỏi mật, sỏi gan của lương y Phan Văn Sang, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trong Đông y không có bài thuốc nào trị sỏi mật, sỏi gan từ quả sung cả. Bài thuốc của ông Sang có lẽ là một bài thuốc dân gian của một đồng bào vùng miền nào đó. Để chứng thực bài thuốc này, trước hết cần kết quả điều trị của 100 người sử dụng trở lên, sau đó mới có thể đánh giá nó có hiệu quả hay không”. Đồng quan điểm này, lương y Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông y T.P Hà Nội cũng cho biết: “Tôi có biết một số bài thuốc sử dụng trái sung làm vị nhưng chỉ một loại trái cây này mà có thể trị được sỏi gan, sỏi mật thì tôi chưa nghe thấy bao giờ. Chính vì vậy, bài thuốc của lương y Sang cần được kiểm nghiệm”.
  Khôi Nguyên

Đăng bởi trung03:04

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

An Dương Vương : “Giặc Thục” hay anh hùng bi tráng ?

Filled under:

ST

Trần Xuân An

1
Phan Bội Châu viết trong cuốn “Việt Nam quốc sử khảo”: “Nước ta, mọi việc từ thời giặc Thục trở về trước không thể kê cứu rõ. Còn kể từ thời Triệu Vũ về sau…” (*).
Tại sao lại gọi An Dương vương Thục Phán là “giặc Thục”, nhất là khi hai chữ “giặc Thục” đi liền với “Triệu Vũ”, họ và vương hiệu của tên giặc đích thực Triệu Đà (Triệu Vũ vương), cách gọi tỏ ý tôn trọng?
Khi đặt vấn đề như thế, không thể không gây nên một tổn thương của người Việt chúng ta. Nhân vật  An Dương vương Thục Phán từ lâu đã trở thành một huyền tượng anh hùng dân tộc kháng chiến chống quân xâm lược của Tần Thuỷ hoàng, chống Triệu Đà xâm chiếm, với bi kịch nước mất nhà tan. Truyền thuyết về An Dương vương và về mối tình đau thương, oan nghiệt Mỵ Châu – Trọng Thuỷ tự bao giờ đã phủ lên những con người có thật ấy một huyền sử với lòng ngưỡng vọng, chiêm nghiệm vừa tự hào, vừa bi thương, chua xót của hậu thế.
Nhưng, ngẫm lại, lạ lùng thay, đồng thời huyền sử cũng khắc sâu vào tâm thức dân tộc Việt Nam một hình tượng khác, hầu như trở thành hình tượng có tính chất cao cả hơn – hình tượng tín ngưỡng –, gắn liền với ý thức cội nguồn nguyên sơ nhất, sâu xa nhất và tự hào nhất. Đó là hình tượng Quốc tổ Hùng vương. Phải chăng trong tâm thức chúng ta tồn tại từ bao giờ một nghịch lí? Không nghịch lí thế nào được khi chính Thục Phán đã tiêu diệt nước Văn Lang do mười tám đời vua Hùng cùng dân tộc Lạc Việt dày công xây dựng, và chính vua Hùng thứ mười tám đã uất hận đến mức thổ huyết rồi gieo mình xuống giếng sâu để tự sát?
Thật ra, trong các bộ chính sử như Đại Việt sử kí toàn thư (1697), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) và trong dã sử, huyền sử của dân gian Việt Nam, mặc dù xác định mười tám vị Hùng vương là những huyền tượng lịch sử – tín ngưỡng, nhưng chưa bao giờ có một mảy may nghi ngại về tính chân thực lịch sử bất di bất dịch. Khác với huyền tượng Quốc tổ, chính sử (gồm cả phần huyền sử, chỉ xem là ngoại kỉ) được viết từ triều đại nhà Trần đến nhà Hậu Lê (1697), ngay cả chính sử trong thời Nguyễn từ triều Tự Đức đến Kiến Phúc (1884), vấn đề về An Dương vương không phải không bị các sử gia đặt một dấu hỏi khốc liệt nhất, có thể diễn đạt với ngôn ngữ hiện đại là: An Dương vương, kẻ thù dân tộc hay anh hùng bi tráng của dân tộc? Và Phan Bội Châu đã nhận định thế nào về An Dương vương, chúng ta đã biết. Cụ Phan, một người được sinh ra, lớn lên ở xứ Nghệ, làng quê thuộc huyện Nam Đàn, rất gần với Đền Cuông (Đền Công) thuộc huyện Diễn Châu (nơi An Dương vương đã đến lúc cùng đường, phải tự chính tay mình tử hình “kẻ thù ngồi sau lưng” là Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự sát; An Dương vương, Mỵ Châu đã được nhân dân và các triều đại lập đền thờ ở đấy). Dẫu vậy, nhà yêu nước họ Phan này, trong cuốn sách phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền cổ động cách mạng (thân Nhật), Việt Nam quốc sử khảo (1909), đã quyết liệt định danh: “giặc Thục”! “Giặc Thục”? Quả thật, chưa bao giờ chính sử nước ta trong thời phong kiến lại ghi vào sách sử hai chữ vừa dứt khoát vừa khủng khiếp đến thế, mặc dù chính sử ngày xưa đã có nêu câu hỏi về An Dương vương, và cũng chỉ dám “dĩ nghi truyền nghi” (giữ sự nghi ngại để truyền lại sự nghi ngại [chưa khảo cứu được])? Còn sử học ngày nay vẫn nêu lại vấn đề, và kết luận An Dương vương là nhân vật lịch sử xứng đáng để vinh danh, không kém gì việc vinh danh các vua Hùng dựng nước. Còn phía văn học sử, truyền thuyết An Dương vương lại càng toả sáng. Như thế, phải chăng không còn tồn tại nghịch lí?

2
Cũng như văn học sử, lịch sử chính trị – xã hội của bất kì nước nào trên thế giới cũng gồm có hai phần chính, tương ứng với hai thời kì phát triển chính. Đối với văn, đó là phần dân gian (văn truyền miệng) và phần bác học (văn viết). Đối với sử, đó là phần được gọi bằng đặc trưng của nó, dã sử hay huyền sử, và phần sử thành văn, được ghi chép, bình luận bởi các sử gia. Sử thành văn gồm cả thời có văn tự, trước thời Trần rất xa; ở các giai đoạn về sau, hầu hết là do các sử gia cũng là chứng nhân đương thời ghi chép.
Vấn đề An Dương vương không một ai không khẳng định là thuộc về dã sử hay huyền sử, mặc dù đã vượt qua mức độ thần thoại để đạt tới mức độ truyền thuyết, mặc dù thư tịch cổ Trung Hoa có ghi chép sơ lược. Do đó, cũng như vấn nạn huyền sử của bất kì nước nào, trong đó còn tồn đọng nhiều ức đoán mơ hồ, lung linh rất đẹp nhưng cũng khá gây hiệu ứng nghi ngại!
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Chuyện rùa vàng đáng tin chăng? […] Đến như truyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng chỉ đường, thì chưa chắc đã có. […] Thế thì việc ma quỷ làm đổ thành cũng đáng tin sao? […] Đến như sử chép An Dương vương bại vong là do nỏ thần bị đổi lẫy, […] đều là mượn lời để cho vật trở thành thiêng mà thôi” (1).
Nhưng vấn đề nghiêm trọng không phải là ở đó. “Giặc Thục”, nhức nhối là ở chỗ này.
Toàn thư ghi rõ: “Cuối thời Hùng vương, vua có con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: ‘Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi’. Thục vương vì chuyện ấy để bụng oán giận”. […] “Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước”. […] “Quân Thục kéo sát đến nơi, [vua Hùng – ct.] hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết chảy [nhảy? – ct.] xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục vương” (2).
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884), một bộ sử lớn thứ hai, sau Toàn thư, cũng chép lại sự kiện trên không khác, sau khi đã khảo cứu kĩ lưỡng. Ở phần mục (thuyết, diễn giải) hầu như y hệt, và ngay mấy dòng cương (tiêu đề) lại càng cô đọng thật rõ ràng: “Thục vương Phán đem quân sang xâm. Hùng vương nhảy xuống giếng chết. Nước Văn Lang mất”; ở phần cương kế tiếp: “Thục vương đã lấy được nước Văn Lang, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê” (3).
Không còn nghi ngờ gì nữa, nước Văn Lang của dân tộc ta, dưới sự thống lĩnh của triều đại Hùng vương có công dựng nước, đã bị xâm lược và bị mất nước vào tay vua nước Thục! Như thế, Thục Phán (An Dương vương) không phải “giặc Thục” là gì!
Vấn đề gây nhiều tranh cãi ấy, thật ra, mấu chốt là ở chỗ “nước Thục”, “vua, họ Thục, huý Phán, người đất Ba Thục” (3). Chính Quốc sử quán triều Nguyễn, trong bản tấu nghị đầu tiên lúc mới nhận chỉ dụ khởi thảo (ngày 10 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 [11. 7. 1856]) cũng cho là: “An Dương vương là người nước ngoài, nhân dịp người ta suy yếu, trước thì cậy sức mạnh kiêm tính nước người…” (4). Tự Đức không khẳng định về khía cạnh đó, nhưng cũng ra chỉ dụ: “… Công việc của An Dương vương cũng chuẩn cho chép vào phụ lục, để tiện khảo cứu đính chính” (5). Tự Đức chỉ nêu lí do: nhà Thục của An Dương vương dẫu không quá ngắn ngủi, nhưng vỏn vẹn mỗi một đời vua duy nhất. Cuối cùng, ở bản Phàm lệ, Quốc sử quán triều Nguyễn xác định không xem An Dương vương là chính thống, mặc dù vẫn gọi là vương như Toàn thư, “duy lúc chết thì chép chữ ‘hoăng’, để phân biệt với triều chính thống” (6). Như vậy, ở Toàn thư (1697), An Dương vương được sử gia nước ta xếp thành một kỉ chính thống, “kỉ nhà Thục” (7), tương đương với “kỉ Hồng Bàng thị” trước đó, các “kỉ nhà Lê”, “kỉ nhà Lý”… sau đó; nhưng ở Cương mục (1884), An Dương vương không còn là chính thống nữa, chỉ là phụ chép mà thôi.
Căn cứ nào để xem là chính thống hay phi chính thống, nếu không xác định rõ là “họ muốn chiếm nước ta” (Toàn thư, sđd.), là “người nước ngoài”, “người đất Ba Thục”, “kéo quân sang xâm” (Cương mục, sđd.), tức là quân xâm lược. Xem rất đơn giản nhưng lại khá rắc rối là ở chỗ, cả Cương mục lẫn Toàn thư đều xác định như thế nhưng lại mâu thuẫn ở cách định danh: chính thống hay phi chính thống. Tại sao có sự rắc rối này?
Trong bài “Việt giám thông khảo tổng luận” (1514) của Lê Tung, được đặt trang trọng ở phần đầu sách Toàn thư (1697), ghi rõ: “An Dương vương, phía tây thì dời sang Ba Thục, phía nam thì diệt vua Hùng vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc, nhờ được nỏ móng rùa, đánh lui quân nhà Tần, quen mui đánh thắng, yên vui sinh kiêu, quân Triệu đến đánh mà cõi bờ không giữ được” (8). Xin nhấn mạnh: “đánh lui quân nhà Tần”, vào lúc Tần Thuỷ hoàng còn tại vị, và giết được tướng giặc là Đồ Thư. Đó là một sự nghiệp rất đáng kể. Và phải chăng vì thế, Toàn thư châm chước xếp là chính thống? Tuy nhiên, riêng về chiến công trực tiếp tiêu diệt tên tướng giặc Đồ Thư đó, phải chăng một phần là do sự ngộ nhận về địa danh và địa giới thuộc về địa danh, vốn luôn thay đổi một cách rất rắc rối? Phải chăng người Việt ở xứ Việt khác (tuy cũng thuộc Bách Việt) trực tiếp tiêu diệt được tướng giặc Đồ Thư, chứ chưa hẳn là do người Âu Việt và Lạc Việt nước ta (cũng thuộc Bách Việt)? Ở sự kiện khác, cả Toàn thư lẫn Cương mục đều chép, ngay từ năm Thục An Dương vương thứ 44 (214 tr. c. ng.), khi Nhâm Ngao và Triệu Đà vốn là quan tướng nhà Tần (Trung Hoa) được Tần Thuỷ hoàng cử sang xâm chiếm các vùng đất phương nam, “Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta” (9) và bốn năm sau, “Tân mão, năm thứ 48 (210 tr. c. ng.), (Tần Thuỷ hoàng năm thứ 37). Mùa đông, tháng 10, Tần Thuỷ hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở Tiên Du, Bắc Giang đánh nhau với vua. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy” (9). Lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa, An Dương vương đánh thắng Triệu Đà, tức là đánh thắng nhà Tần. Cương mục (1884) cũng chép y hệt như thế, kể cả việc “người Bách Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng” (10); cùng việc “lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu uý Đồ Thư” (10) như trên đã nói.
Nhưng cho dù có chiến công đánh bại quân binh nhà Tần (Đà và Ngao) vào năm 210 tr. c. ng. như vậy, hậu thế vẫn có thể đặt lại vấn đề: An Dương vương Thục Phán vẫn là quân xâm lược, vẫn là “giặc Thục”; dẫu đánh thắng Đà và Ngao (đang là quan tướng viễn chinh của nhà Tần), thì cũng chỉ là quân xâm lược đánh thắng quân xâm lược, “giặc Thục” đánh thắng giặc Đà, giặc Ngao (thuộc hạ của giặc Tần Thuỷ hoàng đầu sỏ) mà thôi. Xin in đậm tám chữ trên để nhấn mạnh điều này.
Nếu theo chuỗi luận cứ đó, phải thừa nhận Phan Bội Châu rất đúng đắn khi gọi An Dương vương là “giặc Thục”, mặc dù quê hương của cụ thờ phụng An Dương vương và Mỵ Châu – Trọng Thuỷ tại Đền Cuông (núi Dạ Sơn, xã Cao Xá, huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Thật ra, chắc hẳn Phan Bội Châu chỉ đọc được Toàn thư cùng các sách sử khác, nhưng chưa được đọc Cương mục cùng các sách sử được Quốc sử quán tham khảo, đối chiếu, thể hiện trong bộ sử này.

3
Vấn nạn nhức nhối vẫn còn đó, khi chưa xác minh được An Dương vương Thục Phán có phải là con cháu vua nước Ba Thục và nối ngôi làm vua nước Ba Thục ấy hay không, và đích thực nước Ba Thục có phải là một nước ở vùng đất Tứ Xuyên, Trung Hoa hay không. Nếu đúng như thế, trách gì Phan Bội Châu không gọi An Dương vương Thục Phán là “giặc Thục”!
May thay, Cương mục ghi rõ lời cẩn án: “Ba Thục với Văn Lang còn cách Tuấn Điền (nay thuộc Vân Nam [Trung Quốc – ct.]) không liền đất nhau. […] Việc Thục vương sau đây đều là hư truyền cả, mà chưa khảo cứu được”; “Nước Thục, từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh vương nhà Chu (316 tr. c. ng.), đã bị nhà Tần diệt rồi, làm gì còn có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiễm Mang (những đất này xưa là đất mọi rợ ở về phía tây và nam, nay thuộc Vân Nam), cách nhau hàng hai, ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang? Sử cũ đã chép “cháu Thục vương là Phán”, lại chép “An Dương vương họ Thục, huý Phán, người đất Ba Thục”, hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà Sử cũ liền nhận là Thục vương chăng? Chứ nếu bảo Thục vương đây lại là người Ba Thục thì không phải” (11).
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: “Chứ nếu bảo Thục vương đây lại là người Ba Thục thì không phải”. Đó là một lời khẳng định dứt khoát.
Vậy An Dương vương là người nước nào? Là người Việt chăng? Nhưng là Việt nào trong Bách Việt? Câu trả lời: Âu Việt (Tây Vu). Cho nên, khi sáp nhập Âu Việt (Tây Vu) với Lạc Việt (quốc hiệu Văn Lang), tên nước trở thành Âu – Lạc (Âu Việt + Lạc Việt). Lâu nay, hầu như trong tâm thức người Việt Nam chúng ta đều mặc nhiên khẳng định như thế. Đó chỉ là sự sáp nhập hai lãnh thổ của hai bộ tộc Việt gần gũi nhau về mọi mặt, vốn là đồng bào (huyền thoại Mẹ Âu Cơ và Trăm trứng). Nhưng sách sử nào chứng thực đều ấy, ngoài quốc hiệu? Toàn thư viết: “Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc”; “đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)” (12). Cương mục viết: “Bấy giờ nhà vua đã lấy được Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê” và chua thêm: “Phong Khê: Bây giờ là thành Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh” (13). Ngoài chính sử, không những các đền thờ An Dương vương ở nhiều địa phương từ xa xưa đến nay còn được tôn tạo, hương khói, mà chính di tích thành Cổ Loa vẫn còn tồn tại với những mũi tên đồng của nỏ thần được giới khảo cổ khai quật, xác định niên đại (bằng phương pháp C14) và trưng bày.
Như thế, vấn đề đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong thập niên sáu mươi của thế kỉ trước (XX), cuộc tranh luận về vấn đề An Dương vương lại nổ ra. Đào Duy Anh (14) dựa  vào Giao Châu vực ngoại kí, Hoa dương quốc chí (q. 3), và ức thuyết của Trần Tu Hoà trong cuốn sách của ông, Việt Nam cổ sử cập kì dân tộc văn hoá chí nghiên cứu (xuất bản ở Côn Minh, Trung Hoa, 1944) để nêu lên giả thuyết của mình. Theo Đào Duy Anh, ở cuốn thứ nhất, tác giả (?) cho rằng An Dương vương là Thục Vương tử. Cuốn thứ hai, viết về vua nước Thục ở Tứ Xuyên (Trung Hoa) mất nước, bị giết chết bởi quân Tần, cả tướng phó, thái tử Thục cũng thế (chấm dứt 12 đời vua Thục). Cuốn thứ ba, của Trần Tu Hoà, không viết khác hơn, nhưng có thêm chi tiết: “con cháu vua Thục có lẽ đã phải hướng về nam mà phát triển vào miền khí hậu ôn hoà, sản vật giàu thịnh, rồi cuối cùng chiếm được nước Văn Lang” (14). Đào Duy Anh tán thành ức thuyết của Trần Tu Hoà, đồng thời chứng minh thêm bằng cách dựa vào một truyền thuyết thơ lưu hành trong nhân tộc Tày, trong đó có nhân vật Thục Phán. Ông lược thuật: “Ở phía nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế An Trị vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình (cước chú: Theo ‘Địa danh đại từ điển Trung Quốc’, châu Nam Bình hiện nay ở trong nước ta)” (14); “Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10 tuổi” (14). Và xác định: “Do truyền thuyết trên ấy, chúng ta có thể thấy rằng bộ Nam Cương do Thục Phán làm vua là tương đương với miền Cao Bằng từ Bảo Lạc lấn sang cả một phần phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu thế thì có thể nói rằng con cháu vua nước Thục mà Thục Phán là đại biểu cuối cùng đã từ miền Tứ Xuyên và Vân Nam vào nước Nam Cương của truyền thuyết theo đường sông Lô, sông Gầm, rồi tràn sang miền thượng lưu sông Cầu và sông Hữu Giang” (14). Còn vấn đề ngôn ngữ, huyết thống nhân tộc, vốn là mấu chốt nhất? Đào Duy Anh viết: Những người con cháu nước Thục ấy cũng là người Việt tộc mà sử sách xưa gọi là Quỳ Việt. Với cái đại thế phân bố và di động của những nhóm Việt tộc từ lưu vực sông Dương Tử về nam thì rất có khả năng rằng những nhóm Việt tộc ở miền Vân Nam Quảng Tây, đặc biệt là nhóm Tây Âu ở lưu vực sông Tây Giang vốn có quan hệ xa gần với nhau. Như thế thì những người con cháu nước Thục đó khi đến miền Tả Giang và Hữu Giang tất gặp ở đó những người Tây Âu mà ngôn ngữ và văn hoá không phải xa lạ với họ. […] Miền nam sông Tả Giang và lưu vực sông Hữu Giang cùng với miền thượng lưu các sông Lô, sông Gầm, sông Cầu là địa bàn sinh tụ của những bộ lạc Tây Âu họp thành bộ lạc Nam Cương mà Thục Phán là tù trưởng tối cao…” (14).
Về Hùng vương và nước Văn Lang, Đào Duy Anh viết: “Còn miền trung lưu và hạ lưu sông Hồng từ Yên Bái, miền hạ lưu các sông Lô, sông Cầu, miền lưu vực sông Đáy và lưu vực sông Thái Bình, miền trung lưu và hạ lưu sông Mã và sông Lam cho đến Hoành Sơn, đều là địa bàn sinh tụ của bộ lạc liên hiệp Lạc Việt mà quân trưởng tối cao được truyền thuyết gọi là Hùng vương” (14). Và sự sáp nhập Văn Lang vào Tây Âu (Tây Vu, Âu Việt) cũng diễn ra bằng sự chiến thắng của Thục Phán. Ông kết luận, cả truyền thuyết nhân tộc Tày ngày nay lẫn truyền thuyết của cộng đồng dân tộc Việt Nam đều nhất trí như thế (14).
Thật ra, hiện nay đang còn tồn tại nhiều ức đoán và giả thuyết tuy tương đồng về kết luận nhưng vẫn khác về sự thể với Đào Duy Anh, tất nhiên lại càng đối nghịch hẳn với cách gọi của Phan Bội Châu là “giặc Thục”.
GS. Nguyễn Tài Cẩn là một nhà ngôn ngữ học uy tín, có nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị. Ông đưa ra một giả thuyết về cuộc chiến thắng của bộ tộc có gốc tích Việt Chứt ở Tây Bắc Việt đối với bộ tộc khác (Thái Kadai) trên cơ sở nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt, để lập nên nước Âu Lạc (15).
“Địa bàn cư trú ban đầu của cư dân nói tiếng Proto Việt Chứt là vùng kéo dài từ khu vực miền núi Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị sang đến Trung Lào” (15); “Rồi từ đây họ lại tản dần ra, chủ yếu là đi ra hướng bắc, men theo các vùng thượng du…” (15); “Cố nhiên, lúc ban đầu, khi mới du cư ra miền Bắc, cư dân Proto Việt Chứt vẫn chủ yếu sống ở miền núi. Cứ liệu ‘Lĩnh nam chích quái’ còn phản ánh rõ điều đó. Ở truyền thuyết họ Hồng Bàng, ngoài việc nói đến chuyện 50 người con theo mẹ ở lại vùng núi, lập nước Văn Lang và đóng đô ở địa bàn rừng đồi trung du Phong Châu, lại còn nhiều chi tiết miêu tả cụ thể đời sống cư dân hồi đó…” (15). Như vậy, trái ngược với hướng di dân Lạc Việt từ lưu vực phía nam sông Dương Tử, cụ thể nhất là từ Phúc Kiến (Trung Hoa) sang, theo nhiều nguồn tư liệu xưa nay! GS. Nguyễn Tài Cẩn còn dựa vào bản thần tích, “chuyện một vua Hùng từ miền Trung ra, kết hôn với một người con gái họ Ma mà Bùi Văn Nguyên có hồi đã giới thiệu” (15). Và từ vùng đất Tổ đó, sau khi đã hoà huyết, hoà nhập ngôn ngữ, sau khi đã làm quen với trồng trọt, chăn nuôi, canh tác lúa nước, “thì có một bộ phận cư dân Việt Chứt phía Bắc rời bỏ vùng đồi núi để toả về hướng đồng bằng, sinh sôi phát triển mạnh ở vùng châu thổ sông Hồng. Sự mở rộng địa bàn này được phản ảnh trong sử sách qua việc Văn Lang trở thành Âu Lạc, qua việc Phong Châu nhường bước cho Cổ Loa. Về mặt ngôn ngữ, may mắn cũng có cứ liệu hé cho chúng ta thấy cái nguồn gốc chung của cư dân Việt Chứt ở vùng đồi núi miền ngược và cư dân Việt Chứt ở đồng bằng Bắc bộ đó” (15). Vẫn theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, “đó là điều tạo tiền đề cho việc hình thành cái nôi của vùng Kinh sau này” (15). Tất nhiên, để tiếp nhận giả thuyết này, phải hiểu thêm về quá trình hình thành vùng châu thổ sông Hồng về mặt tự nhiên (lưu lượng phù sa bồi đắp) và về mặt nhân tạo (sự khai hoang, san lấp ao hồ, đầm phá; hệ thống đê điều, chống lũ, lấn biển). Quá trình ấy đi đôi với quá trình người Việt Chứt từ miền núi tiến xuống đồng bằng sông Hồng như GS. Nguyễn Tài Cẩn đã trình bày trong cuốn sách, cụ thể là ở những đoạn trích bên trên (16).
Sở dĩ tôi phải trích dẫn dài dòng như vậy là để làm sáng tỏ ý tưởng rất cần thiết đối với vấn đề gốc gác huyết thống, ngữ ngôn của An Dương vương Thục Phán, mặc dù GS. Nguyễn Tài Cẩn không nêu đích danh: “Sự mở rộng địa bàn này được phản ảnh trong sử sách qua việc Văn Lang trở thành Âu Lạc, qua việc Phong Châu nhường bước cho Cổ Loa” (15).
Hầu như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh không chú ý và tìm hiểu sâu về khía cạnh ngôn ngữ khi xác định nguồn gốc dân tộc của Thục Phán. Còn sự kiến giải của GS. Nguyễn Tài Cẩn, ít ra về khía cạnh này, ông đã làm sáng tỏ. Nhà ngôn ngữ học đã xác định: “Ở địa bàn Đông Nam Á hiện có những ngôn ngữ thuộc nhiều họ khác (như họ Thái – Kadai, họ Hán – Tạng, họ Nam đảo, họ  Ấn – Âu) nhưng đó đều là những ngôn ngữ mới di chuyển đến về sau. Có thể nói, ở địa bàn này, họ Nam Á mới chính là họ ngôn ngữ bản địa, tồn tại lâu đời nhất” (17). Tất nhiên, theo ông (và tư liệu ông sử dụng): cũng có loại ngôn ngữ cùng họ Nam Á ở Đông Ấn Độ, Nam Trung Quốc (Vân Nam), đặc biệt là ngôn ngữ Lai mới được phát hiện gần đây ở Quý Châu (có thể thuộc tiểu chi Việt Chứt hay gần Việt Chứt) (17); nhưng chắc chắn các nhân tộc Tày, Nùng hiện nay ở Tây Bắc Việt Nam đều thuộc họ ngôn ngữ Thái – Kadai. Đó là những nhân tộc từ nơi xa (tuy không xa xăm lắm) di dân đến, và diễn ra cuộc tiếp xúc với cư dân từ Trung di cư ra Bắc vốn thuộc họ ngôn ngữ Proto Việt Chứt. Xin trích dẫn cụ thể: “Bộ phận cư dân Proto Việt Chứt du cư ra Bắc lại phải có những mối quan hệ tiếp xúc mới, mà trước tiên là tiếp xúc với những cư dân nói ngôn ngữ thuộc họ Thái – Kadai (như tổ tiên của người Tày, người Nùng v.v…)” (18).
Tuy vậy, GS. Trần Quốc Vượng, một nhà khảo cổ học, với cái nhìn địa – văn hoá, lại khẳng định: “Nhưng rồi ông Lê Sơn đã phát hiện và kể lại truyền thuyết ‘Cẩu chúa chèng vua’ ở Cao Bằng, trong đó vua Thục Phán và vị vua cha tiền nhiệm Thục Chế là người Âu Việt Tày cổ ở ngay Cao Bằng. Phát hiện vốn văn học quý giá này khiến ta nhớ lại lời suy đoán của các vị sử quan triều Nguyễn cho là cái nước Thục của An Dương vương không thể ở miền Tứ Xuyên – Ba Thục mà chắc hẳn ở một nơi đâu đó trong miền đông [tây? – ct.] bắc nước ta hiện nay thôi”; “Tôi đã điều tra tại chỗ về huyền tích này ở Cao Bằng năm 1976, và gần đây nhà Thái học Cầm Cường lại phát hiện được một dị bản của huyền tích này ở người Thái Tây Bắc thì thấy rõ cái cốt lõi huyền tích Tày – Thái này là có thực. Từ Đào Duy Anh đến thế hệ chúng tôi đều khẳng định thành phần tộc người và văn hoá Tày cổ trong cấu trúc cư dân – văn hoá Việt cổ – Âu Lạc. Cao Bằng với các mỏ đồng – thiếc, theo tôi đóng vai trò cực kì quan trọng trong thời đại văn hoá – văn minh Phùng Nguyên – Đông Sơn” (19).
Có điều, ai cũng biết rằng việc thiên đô từ Phong Châu (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) về Cổ Loa (Đông Anh, thủ đô Hà Nội) là một cuộc hoà nhập của trung du với đồng bằng châu thổ, mà đồng bằng châu thổ Bắc bộ là nơi sinh tụ của người Việt cổ (người Việt – Kinh) chứ không phải là địa bàn của người Tày cổ. Do đó, nếu An Dương vương không phải là người Việt cổ hay người Việt cổ đã Tày cổ hoá thì sẽ không có sự tiến về đồng bằng Bắc bộ đó.
Từ những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (sử học, khảo cổ học; địa lí học; ngôn ngữ học), chúng ta có thể tự rút ra kết luận về gốc tích nhà Thục (An Dương vương).
Sử trung đại, cận đại và hiện đại vốn khá rõ ràng với vô số chứng tích, tư liệu đương thời. Nhưng khác với sử thành văn được ghi chép tức thời ấy, phần dã sử, huyền sử, truyền thuyết lịch sử vốn được bao phủ nhiều lớp sương mù của tư duy thần thoại cổ sơ, mặc dù vẫn có cốt lõi sự thật lịch sử. Sương mù huyền sử bao phủ nhiều lớp cũng phải tan đi. Sự thật lịch sử cổ sơ được mã hoá bằng những hình tượng ẩn dụ phải được giải mã. Vả lại, thư tịch cổ, di tích tín ngưỡng, khảo cổ, nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử, mặc dù có chỗ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chi tiết của sự thể, nhưng nhìn chung không ai có thể gọi An Dương vương Thục Phán là “giặc Thục”.  
Có một điều rất trái khoáy là Phan Bội Châu lại không gọi Triệu Đà (Vũ vương) là giặc xâm lược, mà vẫn gọi là Triệu Vũ với hàm ý tôn trọng, xếp nhà Triệu vào hạng chính thống trong lịch sử Việt Nam, trong khi Toàn thư, Cương mục và sử sách Trung Hoa đều ghi rất rõ: Triệu Đà đích thực là người Hán, làm quan cho nhà Tần thời Tần Thuỷ hoàng, vâng lệnh Tần, trực tiếp giương cờ nhà Tần xâm lược nước ta; và sau khi Tần Thuỷ hoàng chết, Triệu Đà đã thực hiện ý đồ cát cứ, xâm lược Âu Lạc để sáp nhập vào Nam Hải thành nước Nam Việt, rồi tự xưng đế, nhưng lại thần phục nhà Hán (Trung Hoa).
Thế mà…
Xin trích dẫn lại và cũng chỉ bàn trong giới hạn bốn chữ: “giặc Thục”, “Triệu Vũ”: “Nước ta, mọi việc từ thời giặc Thục trở về trước không thể kê cứu rõ. Còn kể từ thời Triệu Vũ về sau…” (20).
Nhưng ở một chương khác sau đó, Phan Bội Châu viết: “Từ khi Thục An Dương vương (-257) vào làm vua nước ta, đã mở đường cho nước ngoài đến cướp chủ quyền nước ta. Kế đến Triệu Uý Đà (-179) người Chân Định nhà Hán luôn kiêm cả đất nước ta. Người nước ta ngu dại không biết, cam tâm cúi đầu theo mà tôn là đế, là vương” (20).
Đó là nguyên văn của Phan Bội Châu. Biết thế về Triệu Đà, sao Phan Bội Châu không gọi hẳn Triệu Đà là giặc Triệu, giặc Đà – một tên giặc đích thực! Và thật ra, trong văn cảnh cụ thể (đoạn trích ở cước chú (20) ), Phan Bội Châu đã sử dụng từ giặc để chỉ kẻ đã chia đất, chia dân, chia quyền cho bọn giặc ngoại xâm mà thôi. An Dương vương đã chia đất, chia dân, chia quyền cho Triệu Đà nên bị Phan Bội Châu gọi là giặc Thục.
Còn vấn đề quan trọng, An Dương vương là ai, gốc tích thế nào, ta đã rõ, ở mức độ khả quan nhất. Tuy vậy, cố nhiên là không thể so sánh mức độ xác thực về tư liệu, về sự thật lịch sử của sử cổ đại (dã sử, huyền sử) với sử trung đại, cận đại và hiện đại (Toàn thư; Cương mục; Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên…). Và từ đó, ta có thể trả lời câu hỏi: An Dương vương là kẻ thù dân tộc (“giặc Thục”) hay là anh hùng bi tráng của dân tộc Việt Nam chúng ta?
Một đoạn thơ trong bài Tâm sự của Tố Hữu hầu như không một học sinh phổ thông trung học nào lại không biết:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc [TXA. ing. & iđ.]
Nên [đến?] nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

4
Tuy thế, ta vẫn chưa thể trả lời thật rốt ráo và đầy sức thuyết phục nếu không tìm hiểu nguyên nhân nảy sinh cuộc chiến tranh mà Thục Phán tiến hành, tấn công vào đất nước Lạc Việt của vua Hùng và hệ quả của nó. Đó là chiến tranh thôn tính, sáp nhập (Âu Việt + Lạc Việt) mặc dù khởi đầu là bởi lòng uất hận truyền kiếp do bị chối từ lời cầu hôn như Toàn thưCương mục đã ghi. Nguyên nhân ấy thực chất là tầm thường, khởi từ lòng thù hận, lại cộng thêm tham vọng bành trướng, chiếm hữu.
Thế thì, cho dù như đã khẳng định, Thục Phán là người Việt Chứt hoặc Việt Chứt đã Tày cổ hoá (thậm chí là Quỳ Việt thuộc đại gia đình Bách Việt đã Việt Chứt hoá, Tày cổ hoá), Thục Phán cũng đáng bị chê trách.
Chỉ có thể trả lời: Chiến tranh giữa các bộ tộc hậu kì công xã nguyên thuỷ hay giữa các quốc gia phong kiến sơ khai để tiến tới sự sáp nhập, hình thành một quốc gia phong kiến phát triển vững mạnh là một tất yếu lịch sử. Không thể cứ mãi là tình trạng bầy đàn, thị tộc, hôn nhân đồng huyết (mặc dù phong tục nhuộm răng ăn trầu và sự tích Trầu cau tuyệt vời tốt đẹp đã có từ thời vua Hùng). Phải có một số lượng cư dân nhất định, một diện tích lãnh thổ nhất định, một chính phủ nhất thống nhất định mới có thể lập quốc (lập nước) và vệ quốc (giữ nước). Tất nhiên mọi thứ đều có cái ngưỡng của nó, theo quy luật “lượng đổi, ắt chất đổi”. Nếu vượt quá ngưỡng ấy, thì chiến tranh để sáp nhập, để đủ điều kiện lập quốc (dựng nước) và vệ quốc (giữ nước) trở thành chiến tranh bành trướng, bá quyền, chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Tất nhiên, nói như thế cũng phải nhấn mạnh: phải xét từng trường hợp trong điều kiện lịch sử – cụ thể.
Cho nên, dẫu xuất phát từ lòng thù hận bị từ chối lời cầu hôn, từ tham vọng thôn tính, chiếm hữu, cuộc chiến tranh Thục Phán tiến hành, về mặt khách quan, vẫn là cuộc chiến tranh có ý nghĩa, tác dụng tích cực: Hoà nhập tuyệt đối về huyết thống, lãnh thổ để trở thành một nước Âu Lạc nhất thống. Về ngữ ngôn, tôi thiên về ý kiến, từ một cội nguồn ngôn ngữ Việt Chứt, họ Nam Á, sau một quá trình bị chi biệt hoá (Âu Việt - Lạc Việt, tức là Tiên - Rồng), trở lại duy nhất hoá ở mức độ cao hơn (với sự tôn trọng âm sắc địa phương).
Nhà yêu nước Phan Bội Châu mặc dù có sai lầm về kiến thức sử học cụ thể (mấy ai tránh khỏi [!]) hoặc bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi quan điểm thân Hán, Đại Hán chủ nghĩa, nhưng cụ Phan vẫn thấy rõ chân lí lịch sử khái quát, thể hiện ở nhận định cụ thể này: “Các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đều có thay họ đổi dòng. Nhà này mất thì nhà kia lên. Đó gọi là nhà. […] Còn như […] Nguyễn Quang Trung đế là Huệ đối với Nguyễn và Lê là có tội, nhưng đối với nước ta đều là những người đại hiếu tử, là bậc Thượng đẳng công thần” (21). Hoàng Trọng Mậu riêng ở chỗ này lại phê vào cuốn sử của Phan Bội Châu rất xác đáng: “Có tội đối với một nhà, mà lại có công đối với nước. Lời bàn thiên cổ thật là thoả đáng!” (21).
Trong trường hợp An Dương vương, ta có thể vừa vận dụng đồng thời vừa phản bác nhận thức của Phan Bội Châu, rằng: An Dương vương Thục Phán tuy có tội với riêng hoàng tộc Hùng vương, nhưng lại có công với đất nước, nhân dân Âu Lạc (Việt Nam), trong điều kiện lịch sử – cụ thể cách đây khoảng 2.200 năm. Các sử gia Toàn thư, Cương mục, chừng như vô hình trung nhưng thật sự có ý thức sâu sắc, họ đều chép sử, bình luận sử theo tiêu chí ấy (21), tuy vẫn còn khập khiễng ở chỗ này, chỗ khác.
Tp. HCM., khởi thảo vào buổi chiều ngày mười lăm tháng sáu, hai không không tư (hai mươi tám tháng tư, Giáp thân, năm thứ tư công nguyên Hoà Bình); viết xong lúc mười giờ bốn mươi ba phút, ngày 17. 06. HB4 (30. 04 Giáp thân HB4)

Cước chú của bài An Dương vương, “giặc Thục” hay anh hùng bi tráng?:
(*) Xin xem cước chú (20). TXA. in đậm (iđ).
(1) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 186 – 187 (NK. [ngoại kỉ], q. I, tờ 10b – 11b).
(2) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 176, 177, 179 (NK., q. I, tờ 4a, 5a, 6a). TXA. chua thêm (ct.).
(3) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 78, 79 (Tb.I, 7 – 8).
(4) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 23 (Tng. 5). TXA. in đậm (iđ.).
(5) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 30 (Dch. II, 10).
(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 34 – 35 (Phl. 2 – 3).
(7) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 179 [NK., q. I, tờ 5b].
(8) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 150 (Tl. [tổng luận], tờ 3b – 4a). TXA. iđ..
(9) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 184 [NK., q. I, tờ 8b]. Xin xem thêm cước chú 3 về sự rắc rối địa danh và địa giới Tượng Quận của dịch giả Ngô Đức Thọ, sđd., tr. 183.
(10) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 81 (Tb. I, 11).
(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 74 (Tb. I, 4), tr. 79 (Tb. I, 8). TXA. iđ. & ct.. Trong cuốn Việt Nam sử lược (1921), [Nxb. Tân Việt tái bản, in lần thứ 7, 1964], Trần Trọng Kim cũng đã xác định không khác với Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 – 1884). Ông đặt nguyên một đề mục, “Gốc tích nhà Thục”, trình bày, và kết luận: “Chắc hẳn nhà Thục tức là một họ nào độc lập gần ở nước Văn Lang, chứ không phải là nhà Thục bên Tàu. Sách ‘Khâm định Việt sử’ [Cương mục – TXA. ct.] cũng bàn như thế”. Nhiều ý kiến hiện nay: một nước Thục ở vùng Tây Bắc (Cao Bằng hiện nay, và vùng giáp giới Cao Bằng, hiện nay thuộc Trung Quốc).
Người viết bài này (TXA.) cho rằng, ở trường hợp này có yếu tố ý niệm hoá địa danh, từ một địa danh với vùng địa lí (địa bàn) có thật, dần dần chuyển hoá thành ý niệm – biểu tượng trong tâm thức; đại để cũng như thành ngữ “tết Maroc” có nghĩa là “viển vông; xa xôi; không bao giờ đến ngày ấy”, hoặc như khi người Nam bộ gặp người giọng nói với âm sắc Bắc Trung bộ thì cứ bảo đó là “người Huế”, mặc dù họ thừa biết Huế chỉ là địa danh thường gọi để chỉ một cố đô, vốn là kinh đô dưới triều Nguyễn, nay là thành phố tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên, hoặc như trường hợp dùng hai chữ “bọn Tây”, dần dần đến cuối thế kỉ XX, người ở nước ta hiểu đó là từ ngữ chỉ người Pháp, chứ không phải chỉ người Tây Ban Nha như lúc ban đầu hay người một nước nào đó ở châu Âu (Phương Tây). Về địa danh Ba Thục cũng vậy, đó chỉ là ý niệm địa lí – biểu tượng hoá. Hơn nữa, Toàn thư (sđd., tr. 175 [NK., q. 1, 3a]) viết về cương vực nước Văn Lang: “đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam”; Lê Tung cũng viết trong bài “Việt giám thông khảo tổng luận…” (Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 150 [Tl., 3b – 4a]): “An Dương vương, phía tây thì dời sang Ba Thục, phía nam thì diệt vua Hùng Vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc”. Như thế, trong ý niệm – biểu tượng địa lí, Ba Thục là vùng đất sát liền, cận kề biên giới nước ta thời Hùng vương, chứ không phải chính xác là nước Ba Thục ở Tứ Xuyên (tại Trung Hoa) đã bị nhà Tần tiêu diệt từ năm còn tồn tại nhà Chu (316 tr. c. ng.), và An Dương vương cũng không phải là hậu duệ Thục vương nước Ba Thục ở Tứ Xuyên (Trung Hoa), mà chính là người Việt Chứt đã Tày cổ hoá.
Ngoài ra, trong sử cổ nước ta (Đại Nam thục lục chính biên chẳng hạn) cũng thường dùng từ “thục man”, để phân biệt với “hoang man”, “cống man”; “thục man” có khi được viết hoa chữ Thục ở bản dịch chữ quốc ngữ abc. Mặc dù mặt chữ Hán của hai chữ Thục trong Thục Phán Thục man khác nhau, nhưng hiện tượng sai biệt hoá, chuyển hoá từ chữ này sang chữ khác trong khi sử dụng là không có gì lạ (như chữ Chỉ trong từ Giao Chỉ có ít ra là hai mặt chữ Hán khác nhau, nghĩa khác nhau, chẳng hạn). Theo đó, Thục Phán chính là vua của xứ Thục Man hoặc nước Thục Man, thuộc vùng Tây Bắc nước ta.
(12) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 179 [NK., q. I, tờ 5b – 6a].
(13) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 79 (Tb. I, 8). Dịch giả Ngô Đức Thọ cước chú: “Hiện nay, Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội”.
(14) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 24 – 27. TXA. iđ.. Chú thích (14) chung cho các đoạn trích dẫn tiếp theo từ cuốn sách này. Lập luận của Đào Duy Anh cũng vẫn như thế ở cuốn sách khác của ông: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 54 – 56. Tuy nhiên, Đào Duy Anh lại suy đoán, giả định sai lạc với chính sử, khi đưa ra khả năng thứ hai: Thục Phán chỉ lật đổ Hùng vương sau khi đã thắng giặc Tần (Trung Hoa)!
(15) GS. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb. Giáo Dục, 1995, tr. 319 – 324. TXA. iđ.. Về thuật ngữ Thái – Kađai, theo GS. Trần Quốc Vượng: “Những cư dân Tày – Thái cổ vừa gần gũi Nam Á vừa gần gũi Nam Đảo mà có học giả (Karl Paul Benedict) gọi là Kadai hay là Nam Thái (austro – Thái) có lẽ là chủ nhân chính của văn hoá Phùng Nguyên” (Việt Nam, cái nhìn địa – văn hoá, Nxb. Văn hoá dân tộc & Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật xb., 1998, tr. 50). 
(16) GS. Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa – văn hoá, Nxb. VHDT. & Tạp chí VHNT. xb., 1998, tr. 44 – 45, 49: “Sau thời Plêitoxen cách đây khoảng 10.000 – 7.000 năm, băng hà Wiirm cuối cùng đã tan, dồn nước về các đại dương, gây nên hiện tượng biển tiến đầu hay / và giữa thời toàn tân Hôlôxen. […] Nó đánh dấu một sự ‘hoang vắng’ của trung du trong suốt thời gian từ khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay… Đến một thời đổi khác của trung du, diễn ra trong khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay… Sau 4.000 năm là thời Hôlôxen muộn (4.000 – 2.000 năm), đây là thời biển lùi. Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ thứ hai được thành lập, cố nhiên là cũng phủ đầy rừng. Con người hậu kì Đá Mới, từ miền núi cao Vân Quý – Quảng Tây tiến xuống, từ miền hải đảo biển khơi ngược sông tiến vào, từ dải Trường Sơn dọc Trung Bộ Việt Nam – Trung Hạ Lào tiến ra… hội tụ ngày một đông đảo ở vùng trung du giáp đồng bằng. Đấy là sự hội tụ con người và văn hoá lần thứ hai ở miền trung du Vĩnh Phú – Sơn Tây. Ta có thể gọi đó là sự hội tụ Phùng Nguyên” (sđd., tr. 44 – 45); “Người ta đã đề cập đến những nhân tố cư dân – ngôn ngữ – văn hoá: Môn Khơme cổ, Tày – Thái cổ, Mã Lai cổ và thậm chí cả Tạng – Miến cổ trong sự sinh thành phức hệ cư dân – ngôn ngữ – văn hoá Việt cổ bắt đầu từ Đất Tổ trung du” (sđd., tr. 49).
(17) GS. Nguyễn Tài Cẩn, sđd., tr. 10; và ở tr. 316. TXA. iđ.: “Căn cứ những thành tựu mới nhất công bố trong khoảng vài mươi năm lại đây, hiện nay có thể kết luận: tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường, tiểu chi Việt Chứt, nằm trong khối Việt Katu thuộc khu vực phía Đông của ngành Môn Khmer, họ Nam Á [TXA. in nghiêng (ing.) & iđ.]”; “tiểu chi Việt Chứt (Việt Mường + Pọng Chứt = Việt Chứt)”.
(18) GS. Nguyễn Tài Cẩn, sđd., tr. 321.
(19) GS. Trần Quốc Vượng, sđd., tr. 17 – 19, 47, 104 –105, 118 – 122, 131, 142 – 143… TXA. iđ.. GS. Trần Quốc Vượng còn chú thích thêm: Nguyễn Siêu, tác giả “Phương Đình dư địa chí” (bản dịch Ngô Mạnh Nghinh, Sài Gòn, 1960), tỏ ý không công nhận An Dương vương là con vua nước Ba Thục.
(20) Phan Bội Châu, Những tác phẩm Phan Bội Châu, tập I [gồm Việt Nam vong quốc sử & Việt Nam quốc sử khảo], Văn Tạo chủ biên và các dịch giả, Nxb. KHXH., 1982, tr. 200 – 201, 210. Xin trích một đoạn Việt Nam quốc sử khảo để xem nhận định của Phan Bội Châu đúng hay sai, và đúng, sai ở mức độ nào: “… Sở dĩ gọi là nước vì có chủ quyền, có nhân dân, có đất đai. Nếu ba thứ ấy còn thì nước còn là nước, ba thứ ấy mất thì không phải là nước nữa. Lấy một trong ba thứ ấy đem cho người ngoài thì gọi là giặc của nước; lấy cả ba thứ ấy đem tất cho người ngoài thì là đầu sỏ của giặc nước.
[…]
Nước ta, mọi việc từ thời giặc Thục trở về trước không thể kê cứu rõ. Còn kể từ thời Triệu Vũ về sau, ta kể được ba người giặc của nước:
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và để cầu nhà Minh sắc phong cho, y đã cắt 59 thôn của châu Lộc Bình cho lệ thuộc vào phủ Tư Minh của nhà Minh.
Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sợ nhà Minh hỏi tội, đã lấy hai châu Thạch Tích, Niêm Lãng và bốn động Cổ Sâm, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát hiến cho nhà Minh. Bản án kết tội bọn ấy nên ghi là: “Lấy đất đai của nước, nhân dân của nước, tặng người ngoài, tội đáng chém!”. Chúng nó lấy lời gì để biện bạch được?
Còn một người nữa thì là một mẹ một con thuộc bản triều [Từ Dũ – TXA. ct.]. Vì ham sống yên phận đã đem một lúc cả ba thứ nói trên dâng cho lũ giặc. Thật là một tên giặc đầu sỏ lớn của nước ta” (+). (sđd., tr. 200 – 201)
Tất nhiên không phải Phan Bội Châu viết điều gì cũng đúng và càng không phải cụ viết gì cũng sai. Đó là chưa nói đến phương pháp viết sử với các thao tác cần thiết, nhất là thao tác trích dẫn tư liệu gốc.
(+) Đó là nhận thức của Phan Bội Châu vào năm 1908 (khi xuất bản “Việt Nam quốc sử khảo”), tức là sau 04 năm, kể từ năm xuất bản “Việt Nam vong quốc sử”. Phan Bội Châu viết như trên là do sự phản hồi của công luận bấy giờ. Như thế, Phan Bội Châu đã phủ nhận “Việt Nam vong quốc sử” về mục “nguyên nhân mất nước”. Rất tiếc là mặc dù có phần nào gần với sự thật lịch sử hơn, nhưng nhận thức vào năm 1908 của Phan Bội Châu cũng còn thiên kiến và cực đoan. Xin xem thêm những cuốn sách Trần Xuân An viết về đề tài này: 1) Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003. 2) Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001. 3) Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003…
(21) Phan Bội Châu, sđd., tr. 200 – 201. Phan Bội Châu cũng như nhiều nhà sử khác chỉ thấy Quang Trung Nguyễn Huệ có tài thao lược, đánh tan 20 vạn quân Thanh nhân cớ nhà Lê cầu viện mà sang cướp nước ta, nhưng không thấy rằng, việc quân Thanh kéo sang cướp nước ấy là hệ quả của cuộc binh phạt, đánh dẹp cả chúa Nguyễn (Đàng Trong) lẫn vua Lê – chúa Trịnh (Đàng Ngoài), do chính ba anh em Tây Sơn tiến hành, trong đó Nguyễn Huệ nổi bật lên, gánh vác sứ mệnh lịch sử. Thử truy lại nguyên nhân, nếu không có phong trào Tây Sơn, làm gì có việc quân Thanh mượn cớ kéo sang! Do đó, Nguyễn Huệ có trách nhiệm phải giải quyết. Và Nguyễn Huệ đã giải quyết thành công, lập nên chiến tích. Theo tôi, lẽ ra, chính xác hơn, là nhận định rằng, Nguyễn Huệ đáp ứng được yêu cầu khách quan của lịch sử nước ta vào các thế kỉ XVI – XVIII là phải thống nhất đất nước, thoát khỏi hoạ phân liệt giữa Đàng Trong – Đàng Ngoài, và giải quyết tốt hệ quả… Nói khái quát hơn, nhân vật lịch sử nào, lực lượng lịch sử nào đáp ứng được yêu cầu lịch sử bức thiết, chính đáng phát sinh từ hiện thực khách quan của xã hội (của nhân dân), của Đất nước, chính nghĩa thuộc về họ; và mặc dù có tham vọng cá nhân nhưng tham vọng cá nhân ấy phù hợp với yêu cầu lịch sử thì họ vẫn xứng đáng được ghi công. Cố nhiên, nếu tài cao, đức trọng, toàn tâm toàn ý và hành động hoàn toàn vì nhân dân, vì Đất nước, vì nhân loại, vì chính nghĩa, giải quyết tốt những hệ quả đau thương, bi tráng do tình huống lịch sử tạo ra, lại càng vĩ đại.

Nhấn mạnh kết luận:

1
Về nguồn gốc An Dương vương Thục Phán:

Trong ý niệm – biểu tượng địa lí, Ba Thục là vùng đất sát liền, cận kề biên giới nước ta thời Hùng vương, chứ không phải chính xác là nước Ba Thục ở Tứ Xuyên (tại Trung Hoa) đã bị nhà Tần tiêu diệt từ năm còn tồn tại nhà Chu (316 tr. c. ng.), và An Dương vương cũng không phải là hậu duệ Thục vương nước Ba Thục ở Tứ Xuyên (Trung Hoa), mà chính là người Việt Chứt đã Tày cổ hoá.

2
Chiến tranh bộ lạc thị tộc và sự hình thành đất nước – dân tộc trong thời cổ đại:
Chiến tranh giữa các bộ tộc hậu kì công xã nguyên thuỷ hay giữa các quốc gia phong kiến sơ khai để tiến tới sự sáp nhập, hình thành một quốc gia phong kiến phát triển vững mạnh là một tất yếu lịch sử. Không thể cứ mãi là tình trạng bầy đàn, thị tộc, hôn nhân đồng huyết (mặc dù phong tục nhuộm răng ăn trầu và sự tích Trầu cau tuyệt vời tốt đẹp đã có từ thời vua Hùng). Phải có một số lượng cư dân nhất định, một diện tích lãnh thổ nhất định, một chính phủ nhất thống nhất định mới có thể lập quốc (lập nước) và vệ quốc (giữ nước). Tất nhiên mọi thứ đều có cái ngưỡng của nó, theo quy luật “lượng đổi, ắt chất đổi”. Nếu vượt quá ngưỡng ấy, thì chiến tranh để sáp nhập, để đủ điều kiện lập quốc (dựng nước) và vệ quốc (giữ nước) trở thành chiến tranh bành trướng, bá quyền, chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Tất nhiên, nói như thế cũng phải nhấn mạnh: phải xét từng trường hợp trong điều kiện lịch sử – cụ thể.

Đăng bởi trung15:45